Biểu tình chống người di cư bùng phát dữ dội tại nước thành viên EU

Đụng độ dữ dội giữa cảnh sát và người biểu tình phản đối dân di cư đã xảy ra tại Tây Ban Nha sau khi một nam giới gốc Mali bị bắt giữ vì tội cưỡng hiếp một phụ nữ trẻ người địa phương.
Theo đài RT, bất ổn bắt đầu bùng phát vào tối 4/7, bên ngoài một trung tâm di cư ở Alcala de Henares, ngoại ô thủ đô Madrid, Tây Ban Nha. Cảnh sát trước đó đã bắt giữ một thanh niên 21 tuổi, liên quan tới vụ cưỡng hiếp dã man một cô gái Tây Ban Nha bằng tuổi gần trung tâm trên vào cuối tuần trước.
Nghi phạm bị cáo buộc đánh đập và tấn công tình dục nạn nhân trước khi bỏ trốn. Tuy nhiên, nhà chức trách đã nhận diện được nghi phạm dựa vào video của một trong những người xin tị nạn đang sống trong trung tâm di cư. Đối tượng đang bị tạm giam và không được phép bảo lãnh tại ngoại.
Tối 4/7, khoảng 300 người đã tham gia cuộc biểu tình ủng hộ nạn nhân bị cưỡng hiếp. Video từ hiện trường cho thấy, những người biểu tình tiến sát hàng rào cảnh sát ở gần trung tâm di cư, nơi có 2.000 người di cư đang ở, kêu gọi đóng cửa trung tâm và thay đổi luật di cư.
Người biểu tình mang theo biểu ngữ lên án tình trạng nhập cư không kiểm soát, hô vang những lời lên án Thủ tướng Pedro Sanchez và chỉ trích lập trường ủng hộ di cư của ông.
Cuộc biểu tình trở nên bạo lực sau khi các nhóm cánh hữu tham gia. Nhiều video cho thấy, cảnh sát dùng dùi cui và nã đạn cao su để xua đuổi người biểu tình khỏi trung tâm di cư.
Một cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra 2 ngày trước đó cũng kết thúc bằng đụng độ, với ít nhất 4 người biểu tình bị bắt giữ.
Liên minh châu Âu (EU) đã phải vật lộn đối phó với cuộc khủng hoảng di cư ít nhất từ năm 2015, vốn xuất phát từ xung đột ở Trung Đông, châu Phi và sau đó là Ukraine. Trong khi nhiều quốc gia thành viên của khối đã chào đón những người xin tị nạn, một số nước khác lại ban hành các biện pháp kiểm soát biên giới và những luật khác do tội phạm liên quan đến người di cư gia tăng.
Tây Ban Nha đã có cách tiếp cận khác. Thủ tướng Sanchez coi người di cư là chìa khóa để giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động và duy trì hệ thống phúc lợi, đồng thời thúc đẩy quá trình hội nhập tốt hơn của người di cư.