Biển Đông giữa chuỗi sóng ngầm căng thẳng mới

Giữa lúc thế giới đang tập trung quan tâm vào các vấn đề thương mại cũng như xung đột ở Ukraine hay Trung Đông, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến căng thẳng.
Nửa cuối tháng 4, lần lượt Trung Quốc rồi Philippines đều đưa người lên bãi đá Hoài Ân ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông.
Thêm nhiều động thái ở Biển Đông
Cụ thể, ngày 25.4, tờ South China Morning Post đưa tin truyền thông Trung Quốc vừa đăng tải hình ảnh lực lượng Hải cảnh nước này (CCG) đã đổ bộ lên đá Hoài Ân ở quần đảo Trường Sa. Bức ảnh cho thấy thành viên CCG giương cờ Trung Quốc tại đây. Tờ Hoàn Cầu thời báo thông tin: "Vào giữa tháng 4 năm nay, CCG đã thực hiện quyền tài phán chủ quyền bằng cách thực hiện hoạt động kiểm soát hàng hải tại đá Hoài Ân ở Biển Đông". Sau đó, ngày 28.4, Philippines cũng công bố hình ảnh các lực lượng nước này có mặt trên cụm bãi đá Hoài Ân.
Liên quan tình hình Biển Đông, ngày 23.4, Trung Quốc đã điều động nhóm tác chiến tàu sân bay Sơn Đông đến vùng biển này. Gần đây, căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines liên tục xảy ra ở Biển Đông. Vừa qua, Bộ Tư lệnh chiến khu nam Trung Quốc ngày 20.4 cáo buộc tàu tuần tra BRP Apolinario Mabini (PS-36) của Hải quân Philippines đã "xâm nhập bất hợp pháp vào vùng biển của Trung Quốc" khi hiện diện xung quanh bãi cạn Scarborough. Sau đó, hải quân Trung Quốc đã huy động lực lượng đuổi tàu của Hải quân Philippines ra khỏi vùng biển trên.
Mỹ và Philippines tăng cường phối hợp
Trong khi đó, Mỹ và Philippines đang có cuộc tập trận Balikatan 2025 diễn ra từ ngày 21.4 - 9.5. Một số nội dung tập trận cũng diễn ra ở khu vực Biển Đông. Một số loại vũ khí như Hệ thống Tên lửa chống hạm NMESIS và các Hệ thống Pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS) cũng xuất hiện ở cuộc tập trận.
Trong đó, với tầm bắn 185 km có độ chính xác cao cùng khả năng bay thấp để né radar, NMESIS được đánh giá có khả năng tác chiến mạnh mẽ trong việc phòng thủ bờ biển và tấn công tàu chiến. Còn HIMARS có thể tác chiến hữu dụng trong nhiều trường hợp, nhất là tấn công chống đổ bộ hay nhằm vào các mục tiêu trên đất liền, điển hình như các công sự, lực lượng đồn trú ở các đảo, bãi đá…
Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định cuộc tập trận trên cho thấy Mỹ và Philippines đang tăng cường năng lực phối hợp.
"Nỗ lực trên nhằm đối phó với Bắc Kinh, bởi chỉ riêng Philippines là không đủ để ngăn chặn hay ứng phó sức ép quân sự từ Trung Quốc. Nhưng nếu Mỹ hỗ trợ đủ thì Philippines có thể tăng cường năng lực phòng ngừa", TS Nagao nhận định và chỉ ra thêm: "Gần đây, Philippines cùng một số bên ở khu vực đã quyết định mua chiến đấu cơ F-16 của Mỹ sẽ góp phần củng cố năng lực quân sự. Mỹ cũng đã triển khai hệ thống phóng tên lửa Typhon đến Philippines. Đồng thời, Manila đặt mua tên lửa hành trình BrahMos và xúc tiến trang bị tàu ngầm".
Bên cạnh đó, TS Nagao cho rằng hợp tác 3 bên Mỹ - Nhật Bản - Philippines sẽ là yếu tố quan trọng để ngăn chặn hành động quân sự của Trung Quốc đại lục đối với Đài Loan.
Đầu tháng 4, CNN dẫn thông báo từ Cơ quan Hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ (DSCA) cho biết nước này đã thông qua kế hoạch bán 20 chiến đấu cơ F-16 cho Philippines. Tổng đơn hàng có giá trị lên đến 5,58 tỉ USD, bao gồm cả các thành phần liên quan F-16.
Thời gian qua, Washington đã đẩy mạnh hỗ trợ quân sự cho Manila. Nổi bật, Mỹ từ năm ngoái đã triển khai hệ thống tên lửa Typhon đến Philippines. Các hệ thống phóng tên lửa Typhon được đánh giá là nhằm khắc chế chiến lược phong tỏa, chống tiếp cận (A2/AD) mà Trung Quốc đang hình thành ở Thái Bình Dương - vốn hạn chế tiềm lực quân sự của Mỹ ở khu vực.