Biến đối tác thành người nhà, chiến lược của các công ty phần mềm

Đối thủ chính là người thầy đáng để chúng ta học hỏi. Các doanh nhân nổi tiếng đều nghiên cứu rất kỹ chiến lược của các đối thủ để hoàn thiện sản phẩm và dịch vụ của bản thân.
![]() |
Một số công ty phần mềm đã mua lại cổ phần của đối tác để xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt. Ảnh minh họa: C.S. |
Khi IBM tham gia vào thị trường máy tính cá nhân năm 1981, Apple Computer đã đi trước và IBM là người theo sau. Tốc độ do đó là điều quan trọng hơn cả. Vào thời điểm đó, IBM cần thiết lập một cơ sở lắp ráp cho các máy tính của mình và phải làm điều đó thật nhanh.
IBM muốn chuyển từ bước thiết kế sang bước tung sản phẩm ra thị trường chỉ trong vòng 12 tháng. Để đạt được điều này, IBM đã bỏ qua truyền thống là phát triển các bộ phận bên trong. Thay vì tự làm điều đó, họ đã đề nghị Intel và Microsoft cung cấp các bộ vi xử lý và công nghệ điều hành hệ thống cho các máy tính cá nhân của mình. IBM đã thành công vì động thái sáng tạo đó.
Lợi ích mang lại từ quyết định thuê ngoài của IBM chính là nhanh chóng tạo ra máy tính thương hiệu IBM và khiến nó được chấp nhận rộng rãi trên thị trường. Ban đầu chiếc bánh được làm to ra. Cái giá phải trả cho quyết định thuê ngoài là IBM giờ đây phải chia sẻ chiếc bánh cho cả Intel và Microsoft.
Để đơn giản, giả sử rằng IBM, Intel và Microsoft mỗi bên đều chiếm một phần ba chiếc bánh lớn hơn đó. Đối với IBM, có lẽ như vậy còn tốt hơn là nhận được một miếng to hơn trong chiếc bánh bé hơn rất nhiều nếu họ cứ giữ tất cả mọi thứ để sản xuất bên trong công ty. Đối với Intel và Microsoft, dĩ nhiên việc cùng chia sẻ một chiếc bánh to chẳng có gì phải phàn nàn.
Thuê ngoài là một nửa chiến lược của IBM trong lĩnh vực máy tính cá nhân. Một nửa kia là chính sách cơ cấu mở. Lý do cơ bản là để giúp cho những người lập trình viết ra các phần mềm cho máy tính cá nhân của IBM. Một hậu quả không dự tính trước ở đây là những người chơi khác bắt đầu nhảy vào cạnh tranh với phần cứng của IBM.
Họ nhanh chóng giải quyết được các vấn đề về phần mềm không tương thích. First Osborn, Leading Edge và Hewlett-Packard, sau đó là Compaq, Dell cùng với hàng trăm công ty khác lần lượt tham gia vào thị trường kinh doanh phần cứng, và đều bắt chước IBM sử dụng bộ vi xử lý của Intel và phần mềm điều hành của Microsoft.
Bây giờ thì Intel và Microsoft đã trở nên mạnh hơn bao giờ hết. Microsoft chiếm độc quyền cung cấp một đầu vào chủ chốt trong kinh doanh sản xuất các máy tính cá nhân tương thích với IBM là lĩnh vực đang tăng trưởng rất nhanh chóng.
Mặc dù Intel bị buộc phải cấp phép sản xuất bộ vi xử lý 8086 đầu tiên của mình cho người ngoài, công ty này đã trở thành nhà cung cấp độc quyền với tất cả thế hệ vi xử lý tiếp theo. Chiếc bánh càng to, thì Intel và Microsoft càng được lợi. Tuy nhiên, đối với IBM thì khác.
Những chiếc máy của Compaq tốt không kém gì so với máy của IBM. Giờ đây, không còn là nhà cung cấp phần cứng duy nhất trên thị trường nữa, giá trị gia tăng của IBM đã giảm xuống một cách đáng kể.
Sai lầm thực tế của IBM là theo đuổi đồng thời việc thuê ngoài và các chính sách cơ cấu mở. Nếu IBM ngừng đưa Intel và Microsoft vào trò chơi, đồng thời không bỏ đi quyền kiểm soát trong kinh doanh phần cứng, thì rất có thể đã duy trì được một vị thế mạnh.
Giá như IBM tiếp tục kiểm soát việc sản xuất các vi mạch điện tử và các công nghệ điều hành hệ thống thì ngay cả khi phần cứng bị sao chép, họ vẫn giữ lại được một vị thế khá hơn nhiều. Một trong 2 cách tiếp cận trên đều có thể mang lại hiệu quả. Việc đồng thời thuê ngoài và áp dụng chính sách cơ cấu mở đã là một sai lầm. Đây là tình huống khi 2 cái đúng hợp lại thành một cái sai.
Thậm chí, việc đưa Intel và Microsoft vào cuộc, đồng thời với cơ cấu mở cũng có thể không quá tệ đối với IBM nếu như họ khiến Intel và Microsoft phải trả tiền để chơi. IBM có thể đề nghị có cổ phần trong Intel và Microsoft để đổi lại việc họ đưa các công ty này vào cuộc chơi. Vào đầu những năm 1980, IBM đã từng có cơ hội để định hình cuộc chơi theo cách đó. Tuy nhiên, họ đã để lỡ mất chúng.
Nhận ra sai lầm của mình, năm 1987, IBM cố gắng giành lại quyền kiểm soát bằng cách tung ra dòng máy tính cá nhân PS/2, trong đó có hệ điều hành OS/2 đồng chế tạo với Microsoft.
Tuy nhiên, lúc đó đã là quá muộn. Microsoft không cần đến IBM nữa. Năm 1990, Microsoft tung ra hệ điều hành Windows và đã làm tổn thất nghiêm trọng cho tương lai của OS/2 trong hy vọng trở thành hệ điều hành phổ biến.
Nếu như bạn phải hy sinh phần lớn chiếc bánh cho một công ty khác, có lẽ chiến lược khôn ngoan nhất là sở hữu một phần trong công ty đó. Ban đầu, IBM có nguồn tài chính dồi dào đủ để chiếm một vị trí cổ đông đáng kể trong cả Intel và Microsoft. Thực ra IBM từng đầu tư vào Intel năm 1982, giành 20% cổ phần công ty và dự định sẽ mua thêm 10% nữa.
Tuy nhiên, trớ trêu là IBM đã bán toàn bộ cổ phần ở đó vào các năm 1986 và 1987 với giá 625 triệu USD. Chỉ 10 năm sau, 20% cổ phần đó đã có giá trị 18 tỷ USD. Đối với Microsoft, IBM có cơ hội mua 30% cổ phần của Microsoft với giá dưới 300 triệu USD vào giữa năm 1986.
Cho đến cuối năm 1995, số cổ phần 300 triệu USD khi đó đã đáng giá thêm 18 tỷ USD nữa. Giá như IBM mua lại và giữ một tỷ lệ cổ phần lớn của Intel và Microsoft, thì chúng tôi tin mọi người ngày nay sẽ luôn nói về các thành công liên tiếp của họ chứ không phải là thất bại.