Bí thư Nguyễn Văn Nên: TPHCM mới sẽ hướng tới thành siêu đô thị tầm vóc quốc tế

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên khẳng định, việc hợp nhất TPHCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu mở ra hành trình xây dựng siêu đô thị tầm vóc quốc tế, trở thành động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho vùng Đông Nam Bộ.
Thành ủy TPHCM, Tỉnh ủy Bình Dương và Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu chiều nay phối hợp tổ chức hội nghị đánh giá công tác triển khai, phối hợp và tiến độ thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh, cấp xã; triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi và Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh đồng chủ trì hội nghị.
Ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM cho biết, đến nay TP đã chủ trì, phối hợp cùng tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương quán triệt, triển khai đồng bộ chủ trương tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu phát triển đô thị và kinh tế - xã hội trong tình hình mới.
Ba địa phương đã phối hợp thành lập Ban chỉ đạo, tổ giúp việc xây dựng đề án, quy chế làm việc và kế hoạch triển khai thực hiện đề án sắp xếp, sáp nhập cấp tỉnh.
Đến nay, cả 3 địa phương đã xây dựng đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và trình Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ; tổ chức lấy ý kiến nhân dân, trình HĐND các tỉnh, TP và hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ.
Theo ông Nguyễn Thanh Nghị, số lượng đơn vị hành chính cấp xã sau khi sáp nhập của TPHCM (mới) là 168 (113 phường, 54 xã và 1 đặc khu), giảm 61,9% so với 441 đơn vị hành chính cấp xã ban đầu.
Về tên gọi xã mới, 3 địa phương thống nhất không đặt trùng tên trong phạm vi toàn thành phố mới, để thuận lợi quản lý cũng như trong quá trình sử dụng dữ liệu hành chính, dân cư, đất đai. Việc đặt tên đơn vị hành chính được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, phù hợp với truyền thống, văn hóa, lịch sử của từng địa phương.
Đặc biệt, các địa phương ưu tiên lựa chọn đặt tên phường, xã là những tên gọi tiêu biểu, gắn với vùng đất, địa danh lịch sử đã khắc sâu vào tâm thức và tình cảm của người dân như: Sài Gòn, Chợ Lớn, Gia Định; Bà Rịa, Vũng Tàu, Phú Mỹ, Đất Đỏ; Bình Dương, Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An…
Về việc điều chỉnh địa giới hành chính trong quá trình sắp xếp, các tỉnh, thành phố đã nghiên cứu, rà soát và điều chỉnh ở một số khu vực nhằm khắc phục những bất hợp lý hiện nay. Việc điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi cho công tác quản lý, bảo đảm an ninh trật tự lâu dài, đồng thời giúp người dân dễ dàng tiếp cận với trụ sở hành chính.
Giảm thiểu tác động đến cán bộ, công chức, viên chức
Trong quá trình xây dựng đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, các cơ quan chức năng của 3 địa phương đã tích cực phối hợp, trao đổi thông tin, thảo luận và đóng góp ý kiến.
Công tác chuẩn bị tập trung vào các phương án sử dụng tài sản công, bố trí trụ sở hành chính, sắp xếp nhân sự và tổ chức đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với yêu cầu của bộ máy hành chính sau sáp nhập.
Để giảm thiểu tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các địa phương chú trọng tạo điều kiện để họ an tâm công tác, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời tiếp tục bồi dưỡng, phát huy năng lực, đáp ứng nhiệm vụ chính trị của thành phố sau sắp xếp.
Trong thời gian tới, 3 địa phương sẽ hoàn thiện dự thảo đề án thành lập Đảng bộ TPHCM để trình Ban chỉ đạo và cấp có thẩm quyền theo quy định. Đồng thời, các địa phương đẩy nhanh việc hoàn chỉnh đề án kết thúc hoạt động của các đảng bộ cấp huyện, cấp xã cũ, tiến tới thành lập đảng bộ cấp xã mới. Công tác chuẩn bị phương án nhân sự cấp ủy phường, xã cũng được triển khai song song, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, cuộc gặp gỡ, thảo luận hôm nay đánh dấu bước khởi đầu quan trọng cho hành trình xây dựng TP trong giai đoạn mới, hướng tới hình thành siêu đô thị tầm vóc quốc tế. Đây sẽ là cực tăng trưởng mạnh mẽ của vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đồng thời là niềm tin, hy vọng của cả nước.
Ông Nên nhấn mạnh, việc hợp nhất 3 địa phương không chỉ nhằm tối ưu hóa nguồn lực như ngân sách, tài sản, quỹ đất, đầu tư kết cấu hạ tầng mà quan trọng hơn là tạo ra sự đột phá về thể chế, cơ chế, chính sách. Điều này mở ra không gian thử nghiệm cho những vấn đề mới, sáng tạo, giúp quá trình chuẩn bị và triển khai thực hiện nhanh hơn, đồng bộ và hiệu quả hơn.