Nhảy đến nội dung
 

Bí thư, Chủ tịch Phú Thọ sau hợp nhất 3 tỉnh được kiện toàn như thế nào?

(Dân trí) - Việc sắp xếp, kiện toàn các chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ sau hợp nhất 3 tỉnh được thực hiện theo Điều lệ Đảng và chỉ đạo của Trung ương.

Theo dự thảo Đề án hợp nhất 3 tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình thành tỉnh Phú Thọ vừa công bố lấy ý kiến nhân dân, Đảng bộ 3 tỉnh sẽ được hợp nhất thành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ.

"Việc sắp xếp, kiện toàn Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các chức danh Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy... được thực hiện theo đúng Điều lệ Đảng, hướng dẫn thi hành Điều lệ và chỉ đạo của Trung ương", dự thảo cho hay và nhấn mạnh việc này đảm bảo tính kế thừa, ổn định và phát huy vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng trong giai đoạn mới.

Theo dự thảo, các tổ chức đoàn thể 3 tỉnh (Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh...) sẽ được hợp nhất để thành lập Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Phú Thọ.

Theo dự thảo, các cơ quan của HĐND, các ban của HĐND và Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND của 3 tỉnh sẽ được nhập nguyên trạng thành HĐND của tỉnh Phú Thọ khóa XIX, nhiệm kỳ 2021-2026.

"Giữ nguyên số lượng đại biểu HĐND 3 tỉnh (Phú Thọ 63 đại biểu, Vĩnh Phúc 41 đại biểu, Hòa Bình 52 đại biểu) cho đến hết nhiệm kỳ theo quy định hiện hành. Kiện toàn các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND và các ban của HĐND theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đảm bảo hoạt động liên tục, hiệu quả", dự thảo nêu.

Các chức danh Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, các Phó Chủ tịch tỉnh và ủy viên UBND tỉnh sau hợp nhất 3 tỉnh sẽ được kiện toàn theo quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Các sở và tương đương ở 3 tỉnh được đề xuất nhập nguyên trạng (Phú Thọ có 14, Vĩnh Phúc 13, Hòa Bình 14) để tổ chức tối đa 14 sở và tương đương.

Việc rà soát, sắp xếp lại cơ cấu tổ chức các sở và tương đương (sắp xếp bên trong) được yêu cầu đảm bảo nguyên tắc tinh gọn, giảm đầu mối trung gian, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ; bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm và năng lực thực tiễn, gắn với tinh giản biên chế theo lộ trình.

Dự thảo đề án nêu rõ, việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức sau khi thành lập tỉnh Phú Thọ mới đảm bảo nguyên tắc tổng số cán bộ (số có mặt thực tế) không vượt quá tổng số của ba tỉnh trước khi sáp nhập.

Trong lộ trình 5 năm phải cơ bản hoàn tất tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ, phù hợp yêu cầu đổi mới mô hình tổ chức.

Trước khi sáp nhập, theo dự thảo, tỉnh Phú Thọ có tổng biên chế 10.248 người,  Vĩnh Phúc có khoảng 9.035 người và Hòa Bình có khoảng 9.120 người.

Nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của cán bộ, dự thảo cho rằng cần ưu tiên giải quyết đối với các trường hợp đủ điều kiện nghỉ hưu, các trường hợp có nguyện vọng nghỉ việc và tự nguyện tinh giản.

"Không bố trí lại các trường hợp không đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm, năng lực chuyên môn, hoặc không còn phù hợp với tổ chức bộ máy sau sắp xếp", dự thảo nêu.

Phú Thọ dự kiến thực hiện chính sách hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ kinh phí thuê nhà ở có thời hạn cho cán bộ, công chức, người lao động của 2 tỉnh Hòa Bình và Vĩnh Phúc. Mức hỗ trợ, thời hạn hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ được thực hiện theo quy định (có đề án riêng trình HĐND tỉnh Phú Thọ mới thông qua).

Dự thảo đề án nhận định, 3 tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình và Vĩnh Phúc hiện có số lượng cán bộ, công chức cấp xã khá lớn, phân bổ theo các đơn vị hành chính quy mô nhỏ. Sau sáp nhập, dự kiến phát sinh tình trạng dôi dư đáng kể, gây áp lực lớn về bố trí lại công việc và bảo đảm ổn định tổ chức.

Do đó, dự thảo kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép kéo dài thời hạn (hiện tại quy định cứng 5 năm phải tinh giản biên chế sau sáp nhập) với số lượng lớn cán bộ; các địa phương cần thời gian chuyển tiếp dài hơn để đánh giá, sắp xếp lại đội ngũ một cách phù hợp.

Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Phú Thọ mới được đề xuất  đặt tại TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ hiện nay.

"Việc lựa chọn Phú Thọ là tên gọi tỉnh mới và đặt trung tâm chính trị tại TP Việt Trì được xây dựng trên cơ sở khoa học, thực tiễn và phù hợp với định hướng phát triển vùng, đảm bảo các tiêu chí về lịch sử, địa lý, chính trị, kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh", dự thảo đề án hợp nhất 3 tỉnh lý giải.

Tỉnh Phú Thọ sau hợp nhất sẽ có diện tích tự nhiên 9.361,381km2 (đạt trên 117% so với tiêu chuẩn); trong đó tỉnh Phú Thọ hiện nay có diện tích 3.534,56km2, tỉnh Vĩnh Phúc 1.236km2 và tỉnh Hòa Bình 4.590,821km2.

Phú Thọ sẽ có quy mô dân số gần 4 triệu người (đạt trên 442% so với tiêu chuẩn), trong đó tỉnh Phú Thọ hiện nay có gần 1,7 triệu người, tỉnh Vĩnh Phúc trên 1,3 triệu người, tỉnh Hòa Bình trên 980.000 người.

Lãnh đạo 3 tỉnh hiện nay

Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ hiện nay là ông Bùi Minh Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ là ông Bùi Văn Quang.

Ông Đặng Xuân Phong đang làm Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc là ông Trần Duy Đông.

Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình là ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình là ông Bùi Đức Hinh.