Bị tăng giá sính lễ sát ngày cưới, chú rể có hành động khiến cả nhà gái muối mặt

TRUNG QUỐC - Mẹ cô dâu tăng giá sính lễ sát ngày cưới, chú rể bực mình nghĩ ra 'độc chiêu' khiến cả nhà gái muối mặt với quan khách.
Mạng xã hội Trung Quốc đang xôn xao về một đám cưới bất thành do chú rể “bận đi du lịch”. Cô dâu họ Cao (gần 30 tuổi) đến từ Hồ Nam tố chú rể “quá đáng”, khi anh đưa cả gia đình đi du lịch đúng vào ngày cưới, bỏ mặc cô và nhà gái, theo 163.
Theo chia sẻ, cặp đôi đã thống nhất chuyện cưới xin, sính lễ được ấn định là 168.000 NDT (hơn 600 triệu đồng). Một ngày trước lễ cưới, mẹ cô dâu bất ngờ gọi điện cho chú rể, đòi thêm 60.000 NDT (hơn 215 triệu đồng) gọi là “phí xuống xe hoa”.
Chú rể không phản đối, thậm chí còn vui vẻ đồng ý. Tuy nhiên, đến ngày cưới, không ai bên nhà trai đến đón dâu.
Sau khi gọi hàng chục cuộc điện thoại không ai bắt máy, nhà gái phát hiện chú rể đã đưa cha mẹ anh đi du lịch từ sớm, không hề có bất kỳ lời thông báo hay xin lỗi nào.
Chú rể cho biết đã dùng toàn bộ số tiền làm sính lễ để đưa gia đình đi chơi.
Cô Cao chia sẻ rằng, mẹ cô chỉ muốn xem thái độ của nhà trai, thử lòng con rể, còn thực tế cũng không nhất thiết muốn đàng trai phải nộp thêm tiền. Cách phản ứng của chú rể đã khiến cả gia đình cô mất mặt. Còn cô cảm thấy bị phản bội.
Phía nhà trai hiện không còn ý định tiếp tục làm đám cưới.
Câu chuyện sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội đã gây ra nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhiều người lên án hành vi của chú rể, cho rằng anh nên thông báo đàng hoàng, bỏ đi trong im lặng là hành vi thiếu chững chạc và không tôn trọng ai.
Tuy nhiên, không ít ý kiến lại ủng hộ chú rể, coi đây là hành động cứng rắn để dứt bỏ một mối quan hệ đã có dấu hiệu tính toán từ trước.
Một tài khoản bình luận: “Nói là thử lòng nhưng thật ra là đem tình cảm ra mặc cả. Nếu hôm nay lên xe là 60.000 NDT, biết đâu ngày mai đổi cách xưng hô lại phải thêm vài chục nghìn NDT nữa thì sao?”.
Một người khác chia sẻ câu chuyện tương tự:
“Chị họ tôi cưới, bố chị ấy đòi thêm 30.000 NDT (hơn 107 triệu đồng) ngay trên sân khấu gọi là ‘phí đổi cách xưng hô’. Chú rể cắn răng trả nhưng sau này mỗi lần cãi nhau đều đem chuyện đó ra chì chiết. Hôn nhân như thế, sớm muộn cũng nát”.
Câu chuyện của cô Cao là lời nhắc nhở rằng đám cưới không nên trở thành nơi để thử lòng nhau bằng vật chất. Một cuộc hôn nhân khởi đầu bằng sự nghi ngờ, mặc cả sẽ rất khó xây dựng lòng tin bền vững.
Nếu muốn biết ai đó có thật lòng không, hãy quan sát từ cách họ sống và yêu thương hằng ngày. Bởi vì, sự chân thành không thể đo bằng tiền và càng không nên đem ra mặc cả trong ngày trọng đại nhất đời người.