Nhảy đến nội dung
 

Bí quyết vận hành trơn tru mô hình chính quyền 2 cấp của ‘siêu phường’ ở Ninh Bình

Phường Nam Định (tỉnh Ninh Bình), 1 trong 10 phường có quy mô dân số lớn nhất cả nước đã vận hành trơn tru ngay ngày đầu tiên triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.

Chuẩn bị kỹ lưỡng, lựa chọn đầu mối thật tinh anh

Phường Nam Định được thành lập trên cơ sở sáp nhập 8 đơn vị hành chính cấp xã (7 phường, 1 xã), diện tích gần 20km2, quy mô dân số khoảng 188.000 người, là 1 trong 10 phường có quy mô dân số lớn nhất cả nước.

Ngay từ ngày đầu triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các hoạt động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính tại phường Nam Định diễn ra trơn tru, thông suốt. Người dân đến làm việc được hướng dẫn cụ thể, không xảy ra tình trạng ách tắc hay lúng túng.

Phó Chủ tịch UBND phường Nam Định Phạm Xuân Thụ chia sẻ: “Chúng tôi xác định bộ máy chính quyền mới khi đi vào hoạt động là phải hiệu quả ngay, không được để công việc gián đoạn, đúng theo tiêu chí thực sự gần dân, phục vụ nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn. Trong ngày đầu hoạt động theo mô hình mới, trung tâm phục vụ hành chính công của phường đã tiếp nhận hơn 150 hồ sơ”.

Để đạt được điều đó, theo Phó Chủ tịch UBND phường Nam Định, yếu tố tiên quyết chính là chuẩn bị sớm, kỹ lưỡng cả về tổ chức, nhân sự và cơ sở vật chất.

Trước khi chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, các đề án về cơ cấu tổ chức, bố trí nhân sự, thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của từng phòng chuyên môn đã được xây dựng bài bản, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định pháp luật.

Trên cơ sở đó, địa phương có đầy đủ căn cứ pháp lý để bố trí đội ngũ cán bộ, phân công nhiệm vụ cụ thể, thành lập các phòng chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mới, bảo đảm bộ máy chính quyền mới khi đi vào hoạt động có thể triển khai ngay, thông suốt và hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Việc sáp nhập 8 đơn vị hành chính cấp xã khiến số lượng cán bộ, công chức cần sắp xếp tại phường Nam Định rất lớn. Tuy nhiên, phường không bị “ngợp”, trái lại, còn coi đây là ưu thế vì có nguồn nhân lực dồi dào để có thể lựa chọn, bố trí vào vị trí phù hợp nhằm phát huy tốt nhất năng lực, sở trường của từng người.

“Chúng tôi đã lựa chọn được những đầu mối thực sự tinh anh, có kinh nghiệm để dẫn dắt đội ngũ. Người có nhiều kinh nghiệm sẽ hướng dẫn người ít kinh nghiệm hơn, tạo thành một đội ngũ vận hành linh hoạt, hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND phường chia sẻ.

Bên cạnh đó, xác định Trung tâm phục vụ hành chính công là “bộ mặt” của phường, khi chuyển từ liên thông 3 cấp sang 2 cấp, bên cạnh việc bố trí nhân sự, đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, địa phương đã chủ động phối hợp cùng các đơn vị như VNPT, Viettel để tập huấn, lập tài khoản, hướng dẫn cán bộ sử dụng phần mềm hành chính công, bảo đảm tất cả cán bộ có thể bắt tay vào công việc ngay từ ngày đầu.

Phân tán hợp lý để tránh quá tải

Với dân số 188.000 người, nếu chỉ bố trí tiếp nhận thủ tục hành chính ở một điểm duy nhất, nguy cơ quá tải là điều khó tránh.

Vì vậy, phường Nam Định đã chủ động bố trí 4 điểm tiếp nhận hồ sơ, gồm một trung tâm chính đặt tại trụ sở UBND phường và 3 điểm phụ trợ khác để tiếp nhận các thủ tục như khai sinh, chứng thực, đăng ký kết hôn…

Trước ngày 1/7, phường đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm được nơi tiếp nhận từng loại thủ tục, qua đó tránh tình trạng tập trung đông vào một điểm.

“Việc phân tán hợp lý giúp người dân tiếp cận dịch vụ công thuận tiện nhất. Trong sáng đầu tiên, cả 4 điểm đều hoạt động hiệu quả”, Phó Chủ tịch UBND phường Nam Định cho biết.

Ông Phạm Văn Dương (trú tại phường Nam Định) cho biết: “Tôi đến trung tâm phục vụ hành chính công để chứng thực giấy tờ, cán bộ hướng dẫn rất nhanh và tận tình. Khi đến làm thủ tục, không phải chen chúc hay chờ đợi lâu như đã lo ngại”.

Phân quyền rõ ràng, xã có thể chủ động quyết định và chịu trách nhiệm

Không riêng phường Nam Định, các xã, phường khác trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng đã có sự chuẩn bị nghiêm túc, sẵn sàng vận hành mô hình mới ngay từ ngày đầu.

Tại xã Vụ Bản (tỉnh Ninh Bình), ông Trần Minh Hoan, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, để chuẩn bị cho ngày đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, trước đó, các phòng, ban chuyên môn đã khẩn trương kiểm tra lại toàn bộ thiết bị, hệ thống hạ tầng kết nối…

Bên cạnh đó, việc được kế thừa cơ sở vật chất từ huyện là thuận lợi lớn cho xã. Đặc biệt, khu vực tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính được bố trí khang trang, rộng rãi, giúp phục vụ người dân hiệu quả ngay từ ngày đầu.

“Trước đây, nhiều việc cấp xã phải xin ý kiến cấp huyện, rồi cấp huyện lại xin ý kiến cấp tỉnh, mất nhiều thời gian. Giờ đây, đã được phân quyền rõ ràng, xã có thể chủ động quyết định và chịu trách nhiệm trong phạm vi được giao, từ đó đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc, phục vụ người dân nhanh hơn, hiệu quả hơn”, ông Hoan chia sẻ.

Tại xã Nam Minh, công tác triển khai mô hình chính quyền 2 cấp cũng diễn ra thông suốt, không xảy ra lúng túng hay gián đoạn ngay từ ngày đầu vận hành. Người dân đến làm thủ tục được hỗ trợ, hướng dẫn tận tình, không phải chờ đợi lâu. 

Chủ tịch UBND xã Nam Minh Nguyễn Xuân Hưởng chia sẻ, để được như vậy, địa phương đã chuẩn bị kỹ lưỡng từ cơ sở vật chất, hạ tầng kết nối đến phương án nhân sự... Từng nhân sự được phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm để phục vụ tốt nhất cho người dân. 

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn