Bí quyết sử dụng an toàn và tiết kiệm điện theo nguyên tắc 'bàn tay vàng'

Tôi và Khánh - người có nhiều bí quyết sử dụng an toàn và tiết kiệm điện chơi thân từ thuở chân đất chạy đồng, cùng nhau ôm mộng 'gõ đầu trẻ'. Nhưng đời đưa đường rẽ lối, tôi đỗ vào nghề sư phạm, còn Khánh 'lỡ duyên' với phấn trắng bảng đen. Bước ngoặt ấy đưa bạn tôi đến với nghề điện lạnh.
Nhờ sự cần cù, tận tâm và cái duyên với nghề, Khánh dần trở thành thợ điện lạnh có tiếng. Điểm đặc biệt ở Khánh, là ngoài tay nghề cứng, bạn còn "mê" sẻ chia kinh nghiệm tiết kiệm điện - bằng trải nghiệm thực tế, hiệu quả thấy rõ nên được mọi người tin chọn, quý mến.
Vào mùa nóng, công việc của Khánh "chạy không kịp thở". Vậy mà đều đặn, bạn vẫn ghé nhà tôi, xởi lởi: "Ê bạn già. Tiện đường, tao ghé thăm sẵn vệ sinh máy lạnh cho mày luôn!". Cái bụng tốt của thằng bạn, tôi nào có lạ. Còn cái "tiện đường" của nó, bao giờ cũng là một quãng xa.
Chiếc máy lạnh nhà tôi đã... "có tuổi", nhờ bạn chăm sóc định kỳ từ vệ sinh lưới lọc, nạp gas, kiểm tra cục nóng nên vẫn chạy êm ru. "Cục nóng đặt sai chỗ, máy làm việc khổ sở, ngốn điện như nước!", Khánh bảo, tay thoăn thoắt làm. Bạn bảo luôn đặt nơi thoáng, tránh nắng trực tiếp để cục nóng tản nhiệt hiệu quả.
Tiết kiệm điện theo 5 bí quyết đơn giản
Bằng kinh nghiệm từ thực tế, bạn Khánh thường chia sẻ nguyên tắc "bàn tay vàng" để dùng điện làm sao cho an toàn, tiết kiệm và hiệu quả. Từ khi được bạn khai sáng, tôi và nhiều hộ trong xóm đã thay đổi, áp dụng những bí kíp đơn giản mà hiệu quả bất ngờ. Có thể tóm lược như sau:
"Ăn cây nào rào cây nấy": Máy lạnh muốn chạy "o o" mỗi ngày phải thường xuyên vệ sinh lưới lọc. Khánh ví von, bụi bẩn chẳng khác nào kẻ thù của hơi lạnh. Lưới lọc bám bụi khiến máy phải gồng mình hoạt động, vừa tốn điện, vừa làm không khí kém trong lành, dễ sinh bệnh. "Con người cần kiểm tra sức khỏe định kỳ, máy móc cũng vậy", Khánh nói. Mỗi lần bảo dưỡng, máy chạy nhẹ, mát đều, tiết kiệm điện thấy rõ.
"Nước tới đâu bắc cầu tới đó" xưa rồi Diễm: Mấy cái đồ điện như quạt máy, tủ lạnh, máy giặt... xài lâu ngày nó cũng cần cần "spa" cho sạch sẽ. Khánh dặn kỹ, thường xuyên lau chùi bề mặt không chỉ sạch mắt mà còn giúp máy tản nhiệt tốt hơn. Đừng xem nhẹ việc này, mỗi chút cộng lại thành ra tiết kiệm được kha khá.
"Chọn mặt gửi vàng, chọn hàng tiết kiệm điện": Khi mua đồ điện, ưu tiên "gương mặt" có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Dù giá ban đầu có thể cao hơn, nhưng tính lâu dài thì lợi đủ đường. Khánh cảnh báo, đừng ham rẻ mà rước về mấy món "trời ơi đất hỡi", vừa tốn điện, dễ hỏng hóc, chuốc phiền về sau.
Ra ngoài nhớ tắt điện: Nghe thì "xưa như quả đất", nhưng nhiều người vẫn quên trước quên sau. Theo lời Khánh, cắm sạc điện thoại không dùng, để tivi ở chế độ chờ… đều âm thầm "nuôi" hóa đơn tiền điện. Tôi luôn nhắc mình và người nhà ra khỏi phòng là tắt đèn, tắt quạt, tivi không xem thì "cho ngủ" ngay.
"Lắng nghe... đồ điện thở": Không kê tủ lạnh, lò vi sóng sát tường, mà chừa khoảng trống để máy tản nhiệt tốt, vừa an toàn, vừa tiết kiệm điện. Máy thở dễ, ví tiền của bạn cũng dễ thở hơn.
Tiết kiệm điện, hóa ra, lại bắt đầu từ những điều giản dị, vài thói quen nhỏ mà trước nay, có thể nhiều người lơ là, xem nhẹ. Từ khi áp dụng nguyên tắc "bàn tay vàng" của Khánh, hóa đơn tiền điện nhà tôi "hạ nhiệt" đáng kể, thiết bị điện cũng an toàn, bền bỉ hơn.
Khánh, người bạn chân chất như nắng gió miền Tây, ấm áp và nghĩa tình. Có người bạn điện lạnh như thế, tôi thấy mình thật may mắn.
Câu chuyện này, tôi viết ra không chỉ muốn sẻ chia kinh nghiệm từ người bạn quý, mà điều mong muốn lớn nhất là lan tỏa thông điệp: "Chúng ta hãy bắt đầu tiết kiệm điện từ những hành động nhỏ mỗi ngày - vì chính mình, vì môi trường, và vì một tương lai xanh, sạch và bền vững cho tất cả chúng ta. Bởi mọi thay đổi lớn lao luôn bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất, cũng có thể là những bí quyết của người bạn thân làm nghề thợ lạnh của tôi.