Bị ép nghỉ hưu sớm còn mất 20% lương, tôi dứt khoát làm 1 việc rồi rời đi, 2 tháng sau nhận được cuộc gọi “cầu cứu” từ giám đốc

Cả đời cống hiến trong thầm lặng, đến lúc nghỉ hưu tôi vẫn không được ghi nhận xứng đáng. Thế nhưng sự cố bất ngờ ở nhà máy đã cho lãnh đạo thấy ai mới là người không thể thay thế.
*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Hồ Bá được đăng trên trang Toutiao (Trung Quốc).
Tôi là Hồ Bá, năm nay 62 tuổi, ở Hồ Nam, Trung Quốc. Tôi từng dành cả tuổi trẻ của mình để làm việc trong một doanh nghiệp, nơi mà người ta thường nói nhiều về cống hiến, nhưng lại ít ai thực sự quan tâm đến giá trị thực sự của những nhân viên thầm lặng như tôi. Dù chẳng được công nhận bằng bất cứ danh hiệu nào, tôi vẫn luôn cố gắng sống đúng với lương tâm nghề nghiệp, nỗ lực đến phút cuối cùng vì công việc kỹ thuật mà tôi đã gắn bó suốt mấy chục năm qua.
Tôi không có bằng cấp cao, cũng chưa từng được phong hàm "chuyên gia", thế nhưng trong phạm vi công việc của mình, tôi là người hiểu rõ máy móc hơn bất kỳ ai khác. Chỉ cần nghe một tiếng động lạ, tôi biết ngay vấn đề nằm ở đâu và có thể xử lý nhanh gọn. Những thứ đó không có trong sách vở, nhưng được tích lũy từ hàng chục năm đứng xưởng. Tôi nghĩ, nếu công ty thực sự nhìn vào kết quả công việc, tôi nên là người được trân trọng.
Tuy nhiên, trong một môi trường làm việc mà cấp trên thường thích những lời nịnh hót, tôi gần như biến thành người vô hình trong mắt họ. Tôi chỉ biết sửa máy, đọc bản vẽ và truyền nghề cho anh em. Bởi vậy mà hơn 40 năm làm quản lý kỹ thuật, tôi không có lấy một chức danh chính thức. Thậm chí gần đến tuổi nghỉ hưu, tôi vẫn chỉ nhận mức lương như một nhân viên bình thường, không hơn không kém.
Dẫu vậy, không phải gần được nghỉ hưu mà tôi chểnh mảng trong công việc. Ngược lại, tôi vẫn làm việc cần mẫn và trân trọng hơn khoảng thời gian cuối cùng này. Không ngờ, một ngày nọ, tôi nhận được tin lãnh đạo muốn cho tôi nghỉ hưu sớm để nhường vị trí công việc cho họ hàng. Giám đốc lấy lý do cho tôi “nghỉ hưu sớm để chăm lo sức khỏe”, thế nhưng ai cũng biết lý do thật sự là gì.
Thời gian sau đó, tôi dần không còn được đảm nhận công việc chuyên môn. Thay vào đó, giám đốc giao cho tôi đào tạo “cậu học trò mới” là Tiểu Vương - cháu trai của sếp và bắt tôi ký bản cam kết đào tạo. Theo đó, nếu cậu ta không được việc, tôi phải chịu trách nhiệm. Trong những buổi đào tạo, tôi cố gắng truyền đạt nhưng Tiểu Vương không có chút thành ý học hỏi. Với bằng nghiên cứu sinh trong tay, cậu ta cho rằng chỉ vài năm là thành kỹ sư cao cấp, không cần học từ một “lão thợ” như tôi.
Cứ như vậy, Tiểu Vương không muốn học, tôi cũng chẳng muốn dạy. Tôi im lặng, ai giao gì làm nấy, không giao việc thì ngồi uống trà, đọc báo. Cuối năm đó, tôi bị cắt thưởng và trừ 20% lương vì “không làm đủ khối lượng công việc”. Tôi thắc mắc với giám đốc: “Anh hông giao việc cho tôi, rồi lại bảo tôi không làm việc đủ, vậy là cớ làm sao?”. Lãnh đạo tỏ ra bối rối trước câu hỏi của tôi. Chỉ như vậy thôi cũng đủ để tôi hiểu ra một điều rằng công ty không cần tôi nữa, điều đó cũng có nghĩa là tôi không cần phải cố gắng nữa.
Đến ngày làm thủ tục nghỉ hưu, tôi đến sớm. Tôi định bàn giao lại những bản vẽ kỹ thuật, những dữ liệu quan trọng mà tôi đã tích lũy suốt nhiều năm trong máy tính cho Tiểu Vương. Dẫu vậy, cậu học trò đó thậm chí không buồn liếc qua. Tôi hiểu rằng những thứ tôi cố giữ gìn chẳng còn ý nghĩa trong mắt thế hệ trẻ nữa. Nghĩ vậy, tôi lặng lẽ xóa tất cả bản vẽ, thu dọn đồ đạc và rời khỏi công ty trong im lặng.
May mắn thay, khoảng 2 tháng sau đó, một doanh nghiệp tư nhân đã mời tôi làm cố vấn kỹ thuật với mức lương gấp 3 lần chỗ cũ. Họ trân trọng tôi vì những kinh nghiệm thực tế, chứ không phải vì bằng cấp hay mối quan hệ. Còn ở công ty cũ, một tai nạn lao động đã xảy ra trong xưởng. Tiểu Vương không kịp thời xử lý sự cố khiến nhà máy phải dừng hoạt động. Tôi nghe đồng nghiệp cũ kể việc này khiến công ty thiệt hại hàng trăm nghìn NDT mỗi ngày. Giám đốc cũ sau đó đã vội vã gọi tôi quay về. Dẫu vậy, tôi chỉ đáp: “Tôi không hiểu vấn đề mà anh nêu, cũng không đủ năng lực xử lý. Anh nên mời một chuyên gia cao cấp về để xử lý mới phải.”
Nghe tôi trả lời, giám đốc cũ sau một thoáng lúng túng lại quay sang giảng cho tôi về đạo lý “gắn bó với công ty như gia đình”. Tôi chỉ cười rồi nói: “Lúc tôi nghỉ hưu, anh còn không buồn nói lời tạm biệt, sao giờ lại xem tôi như người nhà thế? Tôi đã nghỉ hưu, giờ là người của xã hội rồi. Nếu đơn vị cần, có thể thuê tôi như một chuyên gia bên ngoài với giá thị trường.” Khi anh ta hỏi giá, tôi lập tức đưa ra mức giá gấp 5 lần mức lương cũ.
Tôi biết giám đốc cũ nghĩ tôi đang “làm giá”, nhưng thật ra, đó là mức giá của lòng tự trọng. Tôi đã bị chèn ép, bị lãng quên, bị đối xử bất công suốt nhiều năm. Giờ tôi không cần họ nữa, và họ cũng chẳng còn tư cách yêu cầu tôi “hy sinh vì tập thể”. Tôi đã dành cả tuổi trẻ cho công việc, không phải để được tôn vinh, mà chỉ mong được đối xử công bằng. Nhưng trong guồng máy cũ kỹ ấy, những người như tôi chỉ được dùng chứ không được trân trọng.
Giờ đây, tôi không còn oán giận, cũng chẳng mong được đền đáp. Tôi chỉ thầm cảm ơn những năm tháng đã tôi luyện cho mình bản lĩnh và một đôi tay vững vàng. Chỉ mong rằng, sẽ có một ngày, những người như tôi – những người thợ âm thầm – được nhìn nhận đúng giá trị khi vẫn còn kịp.
Theo Toutiao