Nhảy đến nội dung
 

Bệnh zona thần kinh có gây đột quỵ không? - Báo VnExpress

Trả lời:

Theo WHO, đột quỵ là nguyên nhân gây tàn tật hàng đầu ở người trưởng thành và gây tử vong hàng thứ hai trên toàn thế giới. Độ tuổi bệnh nhân cũng ngày càng trẻ hóa. Trên bản đồ đột quỵ thế giới, Việt Nam thuộc nhóm những quốc gia có nguy cơ đột quỵ cao nhất với hơn 200.000 ca đột quỵ mới mỗi năm.

Ngoài các yếu tố gây đột quỵ hàng đầu như hút thuốc lá, ăn uống không hợp lý, sử dụng đồ uống có cồn, chỉ số BMI cao, tăng huyết áp..., mắc các bệnh truyền nhiễm cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, trong đó có zona thần kinh.

Bệnh zona thần kinh do virus Varicella zoster (VZV) gây ra. Virus này tồn tại trong cơ thể sau lần mắc bệnh thủy đậu trước đó, "ngủ đông" trong rễ hoặc hạch của dây thần kinh, tái kích hoạt khi hệ miễn dịch suy giảm. Virus ngoài gây bóng nước bỏng rát, đau đớn ngoài da có thể lan truyền theo đường máu, đường thần kinh gây viêm tủy sống, vùng tủy sống, viêm màng não, viêm não. Virus này cũng có thể làm thay đổi chức năng đông máu, cầm máu trong cơ thể gây nhồi máu não, đột quỵ não hay nhồi máu cơ tim.

Trong bài đăng trên trang Oxford University Press (Tạp chí Nhiễm trùng Lâm sàng của Đại học Oxford), một nghiên cứu diễn ra trong 10 năm (từ tháng 1/2010 đến tháng 1/2020) ở 2.165.505 bệnh nhân từ 18 tuổi trở lên, bao gồm cả nội trú và ngoại trú, cho thấy 71.911 bệnh nhân có tiền sử bị zona thần kinh có nguy cơ đột quỵ gấp 1,93 lần trong vòng 1 tháng, gấp 1,62 lần trong vòng 1 năm đầu tiên, giảm nguy cơ này ở những người đã tiêm vaccine phòng ngừa.

Còn trong nghiên cứu của 2 chuyên gia khoa Thần kinh, Trường Đại học Y Colorado về "Mối liên hệ giữa zona thần kinh và đột quỵ" đăng trên Thư viện Y khoa Quốc gia Mỹ, người bị zona thần kinh có nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ và xuất huyết vì nhiễm trùng động mạch não.

Mọi người đều có nguy cơ bị zona thần kinh. Tuy nhiên người trên 50 tuổi và người có bệnh nền như thận mạn tính, gan mạn tính, tiểu đường, tim mạch, phổi tắc nghẽn mạn tính COPD, sau ghép tạng... thuộc nhóm có nguy cơ cao và dễ gặp biến chứng do bệnh.

Để phòng ngừa zona thần kinh, mọi người nên giữ lối sống lành mạnh, bổ sung dinh dưỡng phù hợp, tập luyện thể dục đều đặn, ngủ đủ giấc, tránh tiếp xúc với người bị bệnh, cân bằng tâm lý... Cùng với đó, nên tiêm vaccine để phòng ngừa hoặc ngăn bệnh zona tái nhiễm.

Việt Nam hiện có vaccine zona thần kinh Shingrix do hãng dược phẩm GSK (Bỉ) sản xuất, có hiệu quả phòng bệnh lên đến 97%. Vaccine cũng giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và biến chứng khác tới 90%.

Người từ 50 tuổi trở lên tiêm hai mũi, cách nhau hai tháng. Người từ 18 tuổi trở lên có nguy cơ cao mắc zona thần kinh, tiêm hai mũi cách nhau một tháng.

BS. Phạm Đình Đông
Quản lý Y khoa, Hệ thống tiêm chủng VNVC

Độc giả đặt câu hỏi tư vấn vaccine để bác sĩ trả lời tại đây.