Bệnh xá Trường Sa: Điểm tựa sức khỏe của quân dân Trường Sa

Hơn 35 năm qua, Bệnh xá Trường Sa (Khánh Hòa) mang sứ mệnh không chỉ cứu người mà còn là biểu tượng kiêu hãnh về ý chí sinh tồn và chủ quyền biển đảo.
"Trường Sa thay đổi nhiều quá!" - đó là câu đầu tiên mà bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc (Bệnh viện Quân y 175) thốt lên khi trở lại nơi này sau 15 năm, vào những ngày cuối tháng 4-2025.
Những dấu son lịch sử
Năm 2011, khi được điều động tăng cường đến Trường Sa, bác sĩ Nguyễn Hà Ngọc và bác sĩ Hồ Xuân Lãm (Bệnh viện tỉnh Khánh Hòa) đã trực tiếp đỡ đẻ cho ca sinh đầu tiên trên đảo.
Trường Sa ngày ấy qua lời kể của bác sĩ Ngọc là hòn đảo xa xôi, nhà cửa thưa thớt, xung quanh chỉ lác đác vài cây phong ba. Bệnh xá Trường Sa lúc đó chưa khang trang, thiết bị y tế thiếu thốn và chưa được hiện đại như ngày nay.
Tháng 4-2011, với cơ sở vật chất còn hạn chế, ca mổ lấy thai đặc biệt đã được thực hiện. "Lúc đó còn chưa có dao điện, y bác sĩ phải sử dụng thêm đèn pin để đủ ánh sáng.
Lo lắng có, hồi hộp có, nhưng phải quyết tâm làm được, ca mổ thành công sẽ tạo niềm tin rất lớn với bà con sinh sống trên huyện đảo", bác sĩ Ngọc nhớ lại.
Em bé đầu tiên chào đời tại bệnh xá được đặt tên Nguyễn Ngọc Trường Xuân - cái tên được ghép từ tên hai bác sĩ trực tiếp cầm dao mổ, cùng chữ "Trường" địa danh Trường Sa, như ước vọng mùa xuân vĩnh hằng trên đảo.
Và từ sau ca mổ lấy thai đầu tiên đó, nhiều ca sinh thường lẫn sinh khó đều được các bác sĩ tận tình xử lý và chăm sóc, nhiều em bé đã chào đời an toàn và trở thành những cư dân miền hải đảo.
Nhớ quyết định sinh con ngay trên đảo, anh Nguyễn Tấn Thi (55 tuổi, Khánh Hòa) - cha bé Trường Xuân - xúc động: "Sự nhiệt tình, tận tụy của các y bác sĩ đã khiến gia đình chúng tôi tin tưởng cho con mình được chào đời ngay trên mảnh đất thiêng liêng này".
Năm 2013, khi rời Trường Sa về đất liền, gia đình anh Thi không khỏi lưu luyến: "Trường Sa không phải nơi ở rồi rời đi, chúng tôi luôn nhớ về Trường Sa - nơi lưu giữ những kỷ niệm khó quên, là quê hương thứ hai, nơi chôn nhau cắt rốn của con tôi".
Cùng với sự thay đổi và phát triển của Bệnh xá Trường Sa, những ngư dân trên biển cũng cảm nhận rõ sự tiến bộ y tế nơi đây.
Hơn 35 năm gắn bó với nghề đánh bắt cá, ngày 8-4 ông V.V.N. (53 tuổi, Bình Định) được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh xá Trường Sa khi đang đánh bắt trên biển: đang xay đá lạnh thì bất ngờ bị cuốn bàn tay phải vào máy làm giập nát bàn tay.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Cường, bệnh xá trưởng, đã nhanh chóng cùng các bác sĩ phẫu thuật 5 giờ để khâu nối. Sau thời gian điều trị, bàn tay đã phục hồi và các ngón tay đã cử động được.
Hơn 10 năm qua đã có hàng chục chuyến trực thăng đưa quân dân, ngư dân từ Bệnh xá Trường Sa về Bệnh viện Quân y 175 để điều trị.
35 năm tuổi "chuyển mình"
Thượng tá Phan Đình Mừng, phó giám đốc Bệnh viện Quân y 175, chia sẻ đây cũng là lần thứ hai ông đến Trường Sa sau 13 năm chi viện bác sĩ cho huyện đảo.
Khác với những ngày đầu, y tế trên các đảo giờ đây đã "thay da đổi thịt", quân dân huyện đảo không còn lo lắng mỗi khi ốm đau bệnh tật ập đến.
Bệnh viện Quân y 175 chịu trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân Trường Sa từ năm 1975 đến nay.
Hiện các trang thiết bị y tế, máy móc tại bệnh xá đã được trang bị đầy đủ như máy chụp X-quang, máy siêu âm, máy xét nghiệm... giúp các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân sớm, giành được thời gian vàng cho người bệnh.
Đặc biệt bệnh viện thường xuyên tổ chức các cuộc hội chẩn từ xa qua hệ thống telemedicine giữa bệnh xá trưởng và các bác sĩ của bệnh viện để đưa ra phương án điều trị người bệnh hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, bệnh xá không chỉ điều trị cho quân dân tại Trường Sa mà còn tiếp nhận và điều trị cho quân dân ở các đảo khác xung quanh thuộc vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, nơi lãnh hải và thềm lục địa.
Luôn luôn sẵn sàng cấp cứu cho chiến sĩ, ngư dân trên biển đảo, tạo điểm tựa cho quân dân ở quần đảo Trường Sa vươn khơi bám biển.
10 năm qua, bệnh viện đã tiếp nhận khám và điều trị cho gần 20.000 lượt quân dân trên quần đảo Trường Sa, trong đó phẫu thuật 1.500 ca, hội chẩn qua telemedicine là 380 ca phức tạp và 180 trường hợp vận chuyển vào đất liền để cấp cứu và điều trị.
Đặc biệt có 80 bệnh nhân được chuyển bằng trực thăng vào đất liền điều trị, đáp thẳng trên nóc Viện Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Quân y 175), giành được thời gian vàng cứu sống người bệnh bị đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, giảm áp do lặn sâu, suy hô hấp... Tỉ lệ bệnh nhân giành được giờ vàng ngày càng tăng lên.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Sơn, nguyên giám đốc Bệnh viện Quân y 175, cho biết mỗi năm bệnh viện đều cử những bác sĩ và kỹ thuật viên giỏi nghề nhất ra làm nhiệm vụ.
Bây giờ Bệnh xá Trường Sa đã có hệ thống telemedicine, hệ thống cấp cứu đường không (trực thăng, thủy phi cơ quân đội) cả ngày lẫn đêm, bất chấp mưa gió - điều này tưởng chừng như trước đây có tưởng tượng cũng không thể.