Bệnh viện ở TPHCM dừng chụp ảnh người khám bệnh sau nhiều ý kiến trái chiều

Nhiều bệnh nhân tỏ ra bất ngờ và lo lắng vì bị yêu cầu chụp ảnh chân dung trước khi khám chữa bệnh bằng hình thức bảo hiểm y tế tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM).
Những ngày qua, một số bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TPHCM) bày tỏ sự bất ngờ khi được nhân viên y tế yêu cầu chụp ảnh trước khi vào khám chữa bệnh bằng hình thức bảo hiểm y tế.
Tuy nhiên, đến ngày 26/7, PV VietNamNet ghi nhận bệnh viện đã tạm dừng việc chụp ảnh bệnh nhân tại các phòng khám số 5 và 8.
Phản ứng trái chiều từ bệnh nhân
Chị N.P.M.T (ngụ phường Chợ Quán, TPHCM) đến tái khám cho biết: "Ở lần khám trước, tôi cảm thấy lúng túng khi được yêu cầu chụp ảnh chân dung vì không hiểu rõ mục đích của việc chụp ảnh lưu trữ. Đồng thời, tôi lo lắng về trang phục, sắc thái gương mặt của mình không phù hợp để chụp ảnh".
Trong khi đó, bệnh nhân T.T.Q. (ngụ phường Xuân Hòa, TPHCM) cũng lo ngại về khả năng thông tin, hình ảnh cá nhân bị sử dụng sai mục đích và có nguy cơ bị đánh cắp. "Sau khi được nhân viên y tế giải thích, tôi nhận thấy việc lưu trữ hình ảnh trong hồ sơ bệnh án cũng rất quan trọng nên tôi đồng tình với việc này", chị Q. chia sẻ.
Trước những phản ứng trái chiều từ cộng đồng, hiện Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã quyết định tạm dừng việc chụp ảnh bệnh nhân để lấy ý kiến người dân.
Trao đổi về vấn đề này, BS.CKII Võ Đức Chiến, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khẳng định việc chụp ảnh bệnh nhân nằm trong khuôn khổ quá trình chuyển đổi số mà ngành y tế đang thực hiện. Mục tiêu là triển khai hệ thống bệnh án điện tử nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
"Trong giai đoạn đầu triển khai thí điểm chuyển đổi số, một số quy trình về mặt kỹ thuật và vận hành của bệnh viện có thể chưa thật sự hoàn chỉnh, dẫn đến những phiền toái nhất định cho người bệnh", bác sĩ Chiến thừa nhận.
Mục đích của việc chụp ảnh là 'chống nhầm lẫn bệnh nhân'
Theo bác sĩ Chiến, việc chụp ảnh giúp tránh tình trạng nhầm lẫn khi có nhiều bệnh nhân cùng tên. "Trong bệnh viện có thể có 2-3 người cùng tên Nguyễn Văn A. Việc nhầm lẫn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như giao nhầm kết quả xét nghiệm hoặc cho nhầm thuốc", bác sĩ giải thích.
Việc định danh chính xác giúp tạo lập ID y tế duy nhất cho từng bệnh nhân, đảm bảo thông tin y tế được lưu trữ và quản lý chính xác. Bác sĩ Chiến cho biết phương pháp này đã được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới và một số bệnh viện tư nhân tại Việt Nam.
Đảm bảo bảo mật thông tin
Về việc bệnh nhân lo ngại vấn đề bảo mật thông tin, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương khẳng định đơn vị đã được Bộ Y tế cấp phép triển khai bệnh án điện tử với đầy đủ nội dung về bảo mật. Mọi thông tin của bệnh nhân được bảo mật nghiêm ngặt, chỉ được sử dụng với mục đích khám chữa bệnh.
Hình ảnh chụp sẽ được lưu trữ trong hồ sơ bệnh án điện tử theo tiêu chuẩn HL7 (tiêu chuẩn quốc tế cung cấp giao thức chuẩn về quản lý, trao đổi và tích hợp dữ liệu y tế giữa các hệ thống thông tin y tế nhằm hỗ trợ các hoạt động y tế - PV). Chỉ có cơ quan cảnh sát điều tra mới có quyền truy cập khi cần thiết.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương là một trong những bệnh viện công lập hạng I đầu tiên của TPHCM được Bộ Y tế cho phép triển khai bệnh án điện tử. Hiện tại, đơn vị đang trong giai đoạn thử nghiệm tại một số phòng khám để đánh giá hiệu quả trước khi mở rộng. Sở Y tế TPHCM cũng đánh giá việc nỗ lực chuyển đổi số là phù hợp.
Để tạo sự thoải mái cho bệnh nhân và giảm gánh nặng cho hệ thống dữ liệu, bệnh viện đang cân nhắc chuyển sang mô hình chụp ảnh một lần duy nhất để tạo ID, sau đó sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt cho các lần khám tiếp theo - tương tự như việc sử dụng Face ID trên điện thoại - chỉ cần thiết lập một lần, các lần sau chỉ cần đưa mặt vào để nhận dạng.
Bác sĩ Chiến nhấn mạnh: "Tất cả những gì bệnh viện làm đều vì sự an toàn của bệnh nhân, để tránh những sai sót y khoa nghiêm trọng và giúp đội ngũ y tế bảo đảm 'đúng người - đúng bệnh - đúng thuốc - đúng quy trình xét nghiệm, điều trị', giảm sai sót trong quá trình khám chữa bệnh".
Ngoài ra, bệnh viện sẽ tiếp tục rà soát và điều chỉnh quy trình sao cho vừa đảm bảo hiệu quả định danh bệnh nhân, vừa tạo trải nghiệm tích cực hơn cho người dân khi đến khám chữa bệnh.