Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 vận hành từ tháng 11: Hơn 1.100 tỉ đồng đầu tư thiết bị

TPO - Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đang bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng trước khi chính thức đi vào hoạt động từ tháng 11/2025. Gói đầu tư mua sắm thiết bị y tế hơn 1.100 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước đã được phê duyệt nhằm đảm bảo năng lực khám, chữa bệnh tại cơ sở mới.
Thông tin được PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai – cho biết trong cuộc trao đổi mới đây. Theo ông Cơ, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai đặt tại thành phố Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) sẽ góp phần giải tỏa tình trạng quá tải cho cơ sở chính tại Hà Nội, đồng thời mang đến cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao cho người dân khu vực Bắc Trung Bộ và đồng bằng sông Hồng.
Hoàn tất danh mục thiết bị, hướng tới bệnh viện thông minh
Theo kế hoạch, trong giai đoạn đầu, Bệnh viện Bạch Mai sẽ tiến hành mua sắm các thiết bị y tế cơ bản nhưng thiết yếu, bao gồm máy siêu âm, máy chụp cộng hưởng từ (MRI), máy chụp cắt lớp vi tính (CT Scanner) và nhiều thiết bị chẩn đoán hình ảnh khác. Danh mục thiết bị đã được hoàn thiện, cấu hình kĩ thuật và giá sơ bộ cũng đã được trình Bộ Y tế thẩm định.
Giai đoạn tiếp theo, bệnh viện dự kiến đầu tư các hệ thống y tế hiện đại bậc nhất như hệ thống phẫu thuật bằng Robot, máy chụp Proton – công nghệ tiên tiến trong điều trị ung thư, phòng mổ Hybrid cùng các thiết bị hỗ trợ chuyên sâu khác. Những hạng mục này sẽ góp phần đưa Bạch Mai cơ sở 2 trở thành bệnh viện hiện đại hàng đầu khu vực, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.
“Chúng tôi hướng tới xây dựng cơ sở 2 không chỉ là một bệnh viện vệ tinh, mà còn là mô hình bệnh viện thông minh, có khả năng đồng bộ dữ liệu với cơ sở chính, ứng dụng công nghệ thông tin toàn diện trong quản lí, khám và điều trị bệnh”, ông Cơ chia sẻ.
![]() |
PGS.TS Đào Xuân Cơ – Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. |
Đảm bảo nguồn nhân lực và phương tiện vận hành
Song song với kế hoạch trang bị cơ sở vật chất, Bệnh viện Bạch Mai cũng đã xây dựng phương án nhân sự cho cơ sở mới. Trong đó, các y bác sĩ sẽ được luân phiên làm việc giữa hai cơ sở, đồng thời bệnh viện sẽ tuyển dụng và đào tạo thêm đội ngũ bác sĩ nội trú, điều dưỡng, kĩ thuật viên để đảm bảo đủ nguồn lực vận hành cơ sở 2.
![]() |
Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2. |
Đặc biệt, bệnh viện đã kiến nghị tỉnh Hà Nam thiết lập tuyến xe buýt kết nối hai cơ sở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển của nhân viên y tế, người bệnh và người nhà.
Khi đi vào hoạt động, cơ sở 2 sẽ tiếp nhận người bệnh từ các tỉnh như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Dương…, góp phần giảm tải cho cơ sở chính ở Hà Nội và hạn chế tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực nội đô.
Dự án trọng điểm của ngành y tế
Dự án xây dựng Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 được khởi công từ cuối năm 2014, với tổng diện tích sàn lên đến 100.000 m², tổng mức đầu tư gần 5.000 tỉ đồng. Tháng 10/2018, khu khám bệnh của bệnh viện đã được khánh thành. Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành thí điểm từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020, bệnh viện đã tạm dừng hoạt động do chưa hoàn tất đầy đủ các hạng mục kĩ thuật và thiết bị.
Ngày 17/4 vừa qua, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cùng đoàn công tác đã kiểm tra thực địa dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Hà Nam. Theo báo cáo của Bộ Y tế, ngày 19/2, Bộ đã ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 34 của Chính phủ về cơ chế, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hai dự án y tế trọng điểm này.
Bộ Y tế đã điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án, đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng trong năm 2025 và quyết toán trước cuối năm 2026. Đối với Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, phần xây dựng dự kiến hoàn thành trước ngày 15/7. Trong khi đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2 dự kiến hoàn thành trước ngày 15/9.
Hiện Bộ Y tế đang khẩn trương thẩm định định mức sử dụng, cấu hình và danh mục thiết bị y tế chuyên dùng cho hai bệnh viện, đồng thời hướng dẫn quy trình đấu thầu, mua sắm để đảm bảo tiến độ triển khai. Riêng với Bệnh viện Việt Đức, hồ sơ mời thầu thiết bị y tế dự kiến sẽ phát hành trước ngày 30/5 tới.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, Bộ đang chỉ đạo sát sao, phân công rõ ràng nhân lực thực hiện từng phần việc để đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Tuy nhiên, việc triển khai các gói thầu thiết bị hạ tầng hiện vẫn là thách thức lớn, do liên quan đến nhiều thủ tục pháp lí và yêu cầu kĩ thuật cao.
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai nhấn mạnh, ngoài nhân sự, bệnh viện đã chủ động chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao và các điều kiện vận hành cần thiết. Trong khi đó, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã phối hợp với Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam để triển khai phần mềm bệnh án điện tử và nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở mới.
Việc đưa hai cơ sở bệnh viện lớn này vào hoạt động không chỉ là mục tiêu phát triển của ngành y tế, mà còn là giải pháp chiến lược trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, giảm tải cho các bệnh viện tuyến cuối và đảm bảo công bằng trong tiếp cận khám chữa bệnh cho người dân cả nước.