Bên trong nhà máy chế biến cao su hơn 100 năm tuổi ở Lộc Ninh

Giữa vùng đất biên giới Lộc Ninh (Đồng Nai), có một nhà máy chế biến cao su hơn 100 năm tuổi, vẫn lưu giữ lại hệ thống lò sấy đốt củi, đường ray và xe goòng từ thời Pháp thuộc. Dù công nghệ thế giới đã thay đổi, nơi đây vẫn bền bỉ hoạt động như một 'nhân chứng sống' của ngành cao su Việt Nam.
Hơn 100 năm trôi qua, dây chuyền chế biến mủ tờ (trước đây là Nhà máy chế biến mủ cao su Lộc Ninh, thuộc Xưởng chế biến mủ cao su Lộc Hiệp, Công ty TNHH MTV Lộc Ninh) vẫn vận hành theo phương thức thủ công là chính. Những chiếc lò sấy bằng củi (là hình thức sản xuất đặc trưng từ đầu thế kỷ 20) vẫn đỏ lửa mỗi ngày, dù thế giới ngoài kia đã chuyển sang thời đại tự động hóa.
Ông Phạm Ngọc Tăng, Xưởng trưởng Xưởng chế biến mủ cao su Lộc Hiệp, cho biết: "Tất cả những cái nhà xưởng, vật dụng, xe cộ, xe goòng thì vẫn tu dưỡng lại tới ngày nay. Tất cả là còn nguyên dạng của Pháp tới nay, không có thay đổi một cái gì hết".
Những chiếc lò sấy là "trái tim" của nhà máy. Dây chuyền này có 10 lò sấy và 40 lò hấp theo công nghệ lò sấy kiểu Pháp, đặc trưng với những hầm dẫn nhiệt như xương cá, vẫn được giữ nguyên.
Toàn bộ vận hành bằng củi. Không điện, không quạt, không hệ thống điều khiển tự động.
Công việc ở đây nặng nhọc và đòi hỏi kinh nghiệm. Mỗi ngày, 47 công nhân thay nhau làm việc 3 ca liên tục, 24 giờ không nghỉ. Họ không chỉ chế biến mủ cao su mà còn đang "giữ lửa" cho cả một di sản của công ty.
Là công nhân của nhà máy là từ năm 2002 tới giờ, ông Lê Quốc Thanh, Công nhân Xưởng chế biến mủ cao su Lộc Hiệp, cho biết công việc của bộ phận dây chuyền sản xuất mủ tờ này đa số là làm thủ công.
Công nghệ cổ điển này tốn thời gian hơn so với lò điện hay lò hơi hiện đại, nhưng lại tạo nên chất lượng đặc biệt. Để hoàn thành một mẻ mủ RSS (cao su tấm xông khói), công nhân phải mất ít nhất 5 ngày xông khói liên tục. Không chỉ là công việc, đây còn là sự kiên nhẫn, tỉ mỉ, điều mà máy móc chưa chắc làm tốt hơn con người.
Hơn 100 năm tồn tại, dây chuyền này không chỉ là nơi sản xuất mà còn là tài sản quý của công ty. Hiện doanh nghiệp đã có kế hoạch bảo tồn công trình.
"Đối với cái chất lượng mủ hiện nay thì toàn bộ xông khói 100%, lấy nhiệt toàn bộ là bằng khói hết, đâm ra chất lượng mà được Michelin quan tâm. Hơn nữa là nó đảm bảo về chất lượng, không để bị mốc hay hư hao gì trong thời gian bảo quản", ông Phạm Ngọc Tăng, Xưởng trưởng Xưởng chế biến mủ cao su Lộc Hiệp, thông tin.
Đối với những người gắn bó hàng chục năm, nơi đây không chỉ là chỗ làm việc, mà còn là ký ức, là niềm tự hào.