Nhảy đến nội dung

Bế mạc đại lễ Vesak 2025: Khơi dậy năng lượng thiện lành

Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 đã chính thức bế mạc hôm qua (8.5) tại TP.HCM, khép lại các hoạt động ý nghĩa cùng hội thảo khoa học quốc tế chất lượng.

Tham dự lễ bế mạc đại lễ Vesak 2025 có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Phó thủ tướng Mai Văn Chính; Bộ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Đào Ngọc Dung...

Về lãnh đạo Giáo hội Phật giáo VN có trưởng lão hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Phó chủ tịch Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc gia đại lễ Vesak 2025; hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch Ủy ban tổ chức quốc tế đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV); bà Inlavanh Keobounphanh, Phó chủ tịch Trung ương Mặt trận Lào xây dựng đất nước; ông Chhat Chhet, Quốc vụ khanh Bộ Nghi lễ và Tôn giáo Vương quốc Campuchia cùng chư vị tăng thống, tăng vương, chủ tịch, lãnh đạo các Giáo hội Tăng già, tổ chức Phật giáo; ICDV, các tổ chức Phật giáo thế giới; các hệ phái, truyền thống Phật giáo...

Vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Phát biểu tại lễ bế mạc, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá những ngày qua, tinh hoa tư tưởng, trí tuệ và lòng từ bi của Phật giáo đã lan tỏa sâu rộng, trở thành nhịp cầu gắn kết các dân tộc, các tôn giáo và các nền văn hóa với nhau. Đại lễ là nguồn cảm hứng lớn lao, đánh thức niềm tin và khơi dậy năng lượng thiện lành trong mỗi con người; khẳng định các giá trị cốt lõi của Phật giáo như lòng từ bi, chánh niệm và đạo đức, có khả năng chỉ rõ con đường hiệu quả, bền vững để giải quyết các vấn đề, thách thức toàn cầu hiện nay.

"Việc đăng cai và tổ chức thành công đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 tại TP.HCM là dấu ấn rõ nét, cho thấy vai trò ngày càng được nâng cao của Giáo hội Phật giáo VN trong cộng đồng Phật giáo quốc tế và trong tăng cường đối thoại các vấn đề toàn cầu, ngăn chặn xung đột, thúc đẩy công bằng xã hội và phát triển bền vững; đây cũng là minh chứng sinh động cho cam kết của VN trong việc phổ biến giáo pháp của Đức Phật", Phó thủ tướng thường trực nhấn mạnh.

Theo Phó thủ tướng thường trực, trong đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, VN luôn thực hiện chính sách nhất quán tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo.

Những năm qua, đồng bào các tôn giáo luôn đoàn kết, gắn bó, tích cực tham gia vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, góp phần đáng kể vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh, từ thiện nhân đạo, cùng nhà nước chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Cam kết xây dựng thế giới hòa bình

Phát biểu bế mạc, hòa thượng Phra Brahmapundit, Chủ tịch ICDV, cho biết 3 ngày tổ chức đại lễ, các đại biểu tham dự đã cùng nhau bàn thảo những vấn đề chung, cùng khẳng định lại chủ đề của đại lễ: "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì hòa bình thế giới và phát triển bền vững".

Đại lễ có những diễn đàn học thuật sôi nổi, với sự hiện diện và tham luận sâu sắc từ chư tôn đức, các học giả, đại diện các chính phủ và tổ chức quốc tế đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Chủ tịch ICDV, sự hiện diện của các đại biểu từ 85 quốc gia, vùng lãnh thổ tại TP.HCM - một thành phố năng động, giàu truyền thống lịch sử và lòng mến khách, là minh chứng cho cam kết chung của cộng đồng Phật giáo toàn cầu trong việc xây dựng một thế giới hòa bình, nhân ái và bền vững. Đại lễ Vesak 2025 đã thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, trí tuệ và trách nhiệm của VN với cộng đồng Phật giáo thế giới.

Trong lễ bế mạc đại lễ Vesak 2025 tổ chức ở Học viện Phật giáo VN tại TP.HCM sáng 8.5, lãnh đạo và đại diện Phật giáo toàn cầu đã cùng ký Tuyên bố TP.HCM đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc lần thứ 20 năm 2025 (xem toàn văn tuyên bố trên thanhnien.vn).