Bé 3 tuổi bị sốc phản vệ độ 3 vì ong đốt

Bị ong đốt tại đùi và kẽ bàn chân phải, bé trai 3 tuổi có biểu hiện ói, đỏ da, phù mắt, môi tái. Tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc phản vệ độ 3, suy hô hấp.
Ngày 4-5, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) - cho biết vừa cứu sống bé trai L.N.P.K. (3 tuổi, ngụ quận 8, TP.HCM) bị ong đốt, gây sốc phản vệ.
Khai thác bệnh sử được biết trước khi nhập viện 2 giờ đồng hồ, bé K. đang chơi trong nhà thì có nhiều ong bay vào. Bé bị một con ong đốt ở đùi phải và chân đạp trúng thêm một con.
Người nhà cho rằng loại ong đốt bé K. là ong ruồi vì thấy chúng làm tổ trước nhà. Sau khi bị ong đốt, bé K. ói, đỏ da, phù mắt, môi tái.
Sau đó người nhà đưa bé nhập viện tại một cơ sở y tế địa phương, và tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Tại thời điểm nhập viện, bệnh nhi lơ mơ, mê, tím tái, thở co kéo 42 lần/phút, mạch nhẹ chi mát, huyết áp kẹp 80/60mmHg, vết ong đốt ở đùi và lòng kẽ hai ngón chân bên phải.
Các bác sĩ chẩn đoán bé K. bị phản vệ độ 3, suy hô hấp do ong đốt giờ thứ 2. Bé được thở oxy và điều trị theo đúng phác đồ.
Tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, hết suy hô hấp, mạch huyết áp ổn định, tỉnh táo, hết phù mặt, hết đỏ da.
Bệnh nhi được tiếp tục theo dõi trong bệnh viện ít nhất 24 giờ để phát hiện sớm các tình trạng sốc muộn và biến chứng tổn thương các cơ quan gan, thận, não, tim, phổi.
Qua trường hợp này, bác sĩ Minh Tiến lưu ý phụ huynh cần chú ý trẻ trong mùa nghỉ lễ. Tránh cho trẻ leo trèo, hái trái cây vì có thể bị tai nạn do té hay bị ong tấn công do vô tình hay cố ý chọc phá tổ ong. Phụ huynh nên phát quang, kiểm soát những tổ ong xung quanh nhà và trong vườn.
Khi trẻ đi dã ngoại trong rừng hay vườn cây, cần lưu ý tránh mặc những quần áo sặc sỡ hay thoa nhiều dầu thơm vì dễ thu hút đàn ong đến tấn công.