Bất an với xe chở cuộn thép

Như Thanh Niên thông tin, Đội CSGT Nam Sài Gòn (thuộc Phòng CSGT Công an TP.HCM) lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt một doanh nghiệp và tài xế, với tổng số tiền hơn 66 triệu đồng, do liên quan vụ việc để rơi cuộn thép trong lúc xe đầu kéo lưu thông trên đường. Hôm 8.4, xe đầu kéo do tài xế L.Đ.D (41 tuổi, ở Bình Dương) điều khiển chở cuộn thép, chạy qua giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Thị Thập (Q.7) thì xảy ra sự cố đứt xích chằng buộc khiến cuộn thép rơi xuống đường.
CSGT xác định tài xế D. vi phạm lỗi vận chuyển hàng hóa là dạng hàng trụ chằng buộc không đúng quy định, phạt tiền 20 triệu đồng. Ngoài ra, tài xế còn bị CSGT phạt lỗi lúc điều khiển không mang theo giấy chứng nhận đăng ký xe; điều khiển xe không có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, mức phạt từ 300.000 - 400.000 đồng. Tài xế còn bị trừ 4 điểm giấy phép lái xe.
CSGT cũng mời chủ xe là một công ty phụ kiện và sắt thép lên làm việc, xử phạt lỗi giao xe cho tài xế vi phạm lỗi vận chuyển hàng hóa là dạng hàng trụ chằng buộc không đúng quy định, số tiền phạt 46 triệu đồng, tước phù hiệu 2 tháng; tạm giữ xe đầu kéo theo quy định.
Coi thường tính mạng người khác
"Việc xe tải để rơi cuộn thép trên đường không phải là hiếm. Hành vi thiếu trách nhiệm, xem nhẹ sự an toàn của người tham gia giao thông, coi thường tính mạng người khác cần được xử lý bằng những biện pháp mạnh mẽ hơn. Cần tăng cường chế tài đối với chủ xe, chủ hàng, tài xế và cả đơn vị bốc hàng, những người đã thấy rõ sự thiếu sót về thiết bị chèn cuộn thép nhưng vẫn cho phép bốc hàng lên xe", bạn đọc (BĐ) Hùng Phong đề nghị.
Tương tự, BĐ Thành Nhơn ý kiến: "Không thấy biện pháp nào để xử lý triệt để tình trạng này và cứ lặp đi lặp lại hết năm này sang năm khác. Thật sự rất bất an. Theo tôi, không chỉ nên dừng lại ở mức xử phạt tiền, mà cần có những chế tài mạnh hơn nhằm vào chủ xe, chủ hàng, nơi xuất hàng đi... Quá nhiều tai nạn đã xảy ra từ những vụ việc như thế này rồi".
Còn BĐ Công Chiêu viết: "Mức phạt này còn quá nhẹ và không tương xứng với những hậu quả khủng khiếp có thể xảy ra. Cần phải có những chế tài đủ mạnh để ngăn chặn tận gốc các hành vi nguy hiểm như thế này. Việc áp dụng mức phạt nghiêm khắc, mang tính răn đe cao là biện pháp cấp thiết để đảm bảo một môi trường giao thông an toàn cho tất cả mọi người".
Cần quyết liệt hơn
Theo BĐ Xuân Đạt, một trong các giải pháp để đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông và ngăn ngừa các vụ tai nạn đáng tiếc do hàng hóa rơi vãi là quy định khung giờ vận chuyển nghiêm ngặt đối với các loại hàng hóa nặng, dễ rơi.
"Chỉ nên cho phép các phương tiện vận chuyển các loại hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ như cuộn thép, vật liệu xây dựng rời,... lưu thông trong khoảng thời gian từ 22 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau. Việc thực hiện quy định này sẽ giảm thiểu đáng kể nguy cơ va chạm và tai nạn do hàng hóa rơi xuống đường, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân", BĐ này ý kiến thêm.
BĐ Tuấn Viết góp ý: "Để vận chuyển an toàn hàng hóa nặng, hàng siêu trọng..., doanh nghiệp cần giấy phép đặc biệt, chứng minh đủ năng lực. Ai chở hàng này không phép phải bị phạt nặng. Doanh nghiệp có phép phải mua bảo hiểm (để bồi thường) và thẩm định lại giấy phép hằng năm".
"Cơ quan quản lý cần hoàn thiện và tăng cường thực thi pháp luật, vừa tăng cường kiểm tra, giám sát. Đồng thời, truy xét và xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, dẫn đến các sự cố này. Còn về phía doanh nghiệp vận tải và tài xế cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đầu tư vào trang thiết bị, tuân thủ quy trình vận chuyển an toàn...", BĐ Đức Toàn góp ý.
"Sự chủ quan từ phía doanh nghiệp và lái xe vẫn còn tồn tại, do đó việc tăng mức phạt lên nhiều hơn nữa, kể cả xử lý hình sự, là cần thiết để đủ sức răn đe và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông", BĐ Đạt Nguyễn thẳng thắn.