Bắt thêm du khách mang hàng chục con rắn từ Thái Lan sang Ấn Độ

Theo CBS News, ngày 29/6, lực lượng hải quan tại sân bay quốc tế Chhatrapati Shivaji Maharaj (Mumbai, Ấn Độ) phát hiện một hành khách từ Thái Lan mang theo 16 con rắn sống trong hành lý.
Trong số này có những loài thường xuất hiện trong giới nuôi thú cảnh như rắn sọc garter, rắn vua California vằn đen trắng, rắn mũi tê giác (rhino rat snake), rắn cát Kenya và rắn albino rat quý hiếm.
Các bức ảnh do cơ quan hải quan đăng tải trên mạng xã hội cho thấy những con rắn còn sống, cuộn mình trong các hộp nhựa hoặc túi vải. Phần lớn trong số chúng không có nọc độc hoặc nọc không đủ mạnh để gây nguy hiểm cho con người.
Hành khách vận chuyển số động vật trên đã bị bắt giữ, cơ quan chức năng cho biết đang tiến hành điều tra sự việc.
![]() ![]() ![]() ![]() |
16 con rắn các loại được tìm thấy trong hành lý của du khách Thái Lan. Ảnh: Mumbai Customs/Ministry of Finance, Govt. of India/X.com |
Đây là vụ thứ 3 liên quan đến buôn lậu động vật hoang dã bị phát hiện tại sân bay Mumbai chỉ trong tháng 6. Đầu tháng, một hành khách cũng đến từ Thái Lan đã bị bắt vì giấu 44 con rắn độc Indonesia, 3 con rắn viper đuôi nhện và 5 con rùa lá châu Á trong hành lý ký gửi.
Chưa đầy một tuần sau, thêm một hành khách bị chặn lại khi đang cố đưa 100 loài động vật sống vào Ấn Độ, bao gồm nhiều loài quý hiếm như kỳ nhông, chim sunbird và thú có túi biết leo cây.
Ông Kanitha Krishnasamy, Giám đốc khu vực Đông Nam Á của tổ chức giám sát buôn bán động vật hoang dã TRAFFIC, gọi đây là "xu hướng đáng báo động".
Theo ông, trong vòng 3 năm rưỡi qua đã có hơn 7.000 cá thể động vật, cả sống và chết, bị thu giữ trên tuyến đường hàng không Thái Lan - Ấn Độ, trong đó hơn 80% vụ bắt giữ diễn ra tại Ấn Độ.
"Việc liên tục phát hiện những vụ buôn lậu với sự đa dạng về loài cho thấy nhu cầu thú cảnh ngoại lai đang thúc đẩy thị trường chợ đen", ông Krishnasamy nhận định.
![]() |
Một xô đầy rắn bị thu giữ từ hành lý của nam hành khách Ấn Độ, ngày 1/6. Ảnh: X/MumbaiCus3. |
Việc sở hữu thú nuôi độc lạ đang trở thành trào lưu ngày càng phổ biến tại nhiều nước châu Á. Các loài bò sát, lưỡng cư và thậm chí là động vật có vú nhỏ như linh trưởng, thú có túi thường bị săn bắt và buôn bán bất hợp pháp để đáp ứng nhu cầu này.
Các chuyên gia bảo tồn cảnh báo việc vận chuyển động vật sống xuyên biên giới không chỉ gây tổn hại đến cá thể và hệ sinh thái, mà còn tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh tật, thậm chí có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh mới.
Ấn Độ không phải là quốc gia duy nhất ghi nhận các vụ buôn lậu động vật kỳ lạ. Hồi tháng 3, một người đàn ông ở Pennsylvania (Mỹ) bị phát hiện giấu rùa sống trong quần tại sân bay Newark Liberty, bang New Jersey.
Cuối năm ngoái, tại sân bay quốc tế Jorge Chavez ở Lima (Peru), lực lượng an ninh phát hiện người đàn ông Hàn Quốc giấu hàng trăm loài côn trùng độc hại quanh bụng bằng 2 dây đai ngụy trang. Tổng cộng có tới 35 con nhện tarantula trưởng thành, 285 con non, 110 con rết và 9 con kiến đạn - loài kiến có cú đốt được cho là đau nhất thế giới.
Việc phát hiện 16 con rắn sống trong hành lý của hành khách tại sân bay Mumbai chỉ là phần nổi của tảng băng chìm trong nạn buôn lậu động vật hoang dã toàn cầu.
Trong khi các cơ quan chức năng nỗ lực ngăn chặn, thì chính nhu cầu ngày càng tăng đối với các loài vật nuôi kỳ lạ đã khiến vấn đề trở nên nan giải.
Du lịch là để tận hưởng hay sống ảo?
Theo TS Đặng Hoàng Giang - tác giả cuốn sách Vẻ đẹp của cảnh sắc tầm thường - việc chạy theo những gì được cho là đẹp theo tiêu chuẩn số đông đang phá vỡ sự nguyên sơ, gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ sinh thái tự nhiên.
Mục Du lịch - Ẩm thực giới thiệu nội dung buổi chia sẻ của tác giả Đặng Hoàng Giang về quan điểm du lịch đang khiến con người quên đi việc tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên.
> Đọc tiếp: Hệ luỵ của du lịch 'sống ảo'