Bất ngờ với số kênh YouTube đạt nút vàng ở Việt Nam

Số lượng các kênh YouTube đạt nút vàng tại Việt Nam tiếp tục tăng, trong khi số kênh sở hữu doanh thu hơn 100 triệu đồng mỗi năm cũng tăng trưởng mạnh, tạo tiền đề cho thương mại video phát triển.
Tính đến tháng 12/2024, Việt Nam có hơn 2.500 kênh YouTube đạt nút vàng (hơn 1 triệu người đăng ký), số lượng kênh đạt doanh thu hơn 100 triệu đồng mỗi năm tăng 35% so với một năm trước.
Những con số này vừa được đại diện YouTube Việt Nam chia sẻ tại sự kiện dành cho các nhà sáng tạo nội dung tổ chức chiều 30/6.
Bà Ngà Bùi, Quản lý đối tác chiến lược YouTube, nhận định tương lai của thương mại điện tử (TMĐT) đang được định hình tại Đông Nam Á.
Đây là khu vực “yêu video nhất thế giới”, với người dùng không chỉ lên các nền tảng video như YouTube để giải trí mà còn tìm kiếm thông tin, nghiên cứu chủ đề yêu thích và ra quyết định mua sắm.
Video thương mại đang thể hiện tăng trưởng ấn tượng khi chiếm tới 20% doanh thu TMĐT Đông Nam Á.
Tại Việt Nam, các số liệu vĩ mô cho thấy tiềm năng lớn của TMĐT. Theo Bộ Công Thương, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ Việt Nam năm 2024 ước vượt 25 tỷ USD, tăng khoảng 20% so với năm 2023, thậm chí cao hơn so với dự báo 22 tỷ USD trước đó của Google, Temasek, Bain & Company. Như vậy, trong khu vực, quy mô TMĐT Việt Nam hiện chỉ sau Indonesia và Thái Lan.
Theo báo cáo Thương mại xã hội Việt Nam 2025 của Globe Newswire, thị trường thương mại xã hội (social commerce) trong nước dự kiến tăng trưởng 25,4% hàng năm để đạt 5 tỷ USD vào năm 2025.
Với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 15,3% trong giai đoạn 2025-2030, đến cuối năm 2030, lĩnh vực thương mại xã hội có thể tăng từ 3,99 tỷ USD năm 2024 lên xấp xỉ 10,21 tỷ USD.
Hệ sinh thái nhà sáng tạo nội dung (creator) tại Việt Nam cũng đóng góp đáng kể. Theo hãng nghiên cứu Kantar và Ipsos, 98% người dùng tin tưởng vào các đề xuất của các nhà sáng tạo nội dung YouTube.
Chính vì những lý do nói trên, Google đã lựa chọn Việt Nam là 1 trong 6 nước đầu tiên để giới thiệu YouTube Shopping. Từ khi ra mắt tháng 11/2024, chương trình tạo ra những hiệu ứng đáng chú ý.
Chẳng hạn, Mai Trinh Hồ - nhà sáng tạo nội dung thời trang và làm đẹp – ghi nhận doanh thu tăng trưởng từ 5 đến 10 lần. “Có thời điểm, chỉ mất 24 giờ để đạt doanh thu 30 ngày”, nữ creator chia sẻ.
Kênh Anh Em Bun Bốp (ngành hàng tiêu dùng nhanh) chứng kiến doanh thu tăng 362%, còn kênh giải trí FapTV đã tạo ra hơn 16.000 đơn hàng thông qua tính năng này.
Khôi Ngọng, một nhà sáng tạo nội dung công nghệ, cũng bất ngờ khi doanh số tăng gấp 3-4 lần chỉ trong tháng đầu tiên tích hợp YouTube Shopping. Những kết quả này cho thấy tiềm năng chuyển đổi từ người xem sang người mua trên YouTube là rất lớn.
Với người tiêu dùng, video thương mại mang đến trải nghiệm mua sắm liền mạch và tiện lợi. Các sản phẩm được gắn thẻ trực tiếp trong video, cho phép người xem nhấn vào để mua ngay mà không cần rời khỏi nền tảng.
Tuy nhiên, trong môi trường thông tin phong phú, người dùng cần chủ động hơn khi mua sắm.
Việc chọn lọc các kênh và nhà sáng tạo nội dung uy tín, có nội dung chân thật, đáng tin cậy, không chỉ tập trung vào quảng cáo mà còn phân tích rõ ràng ưu nhược điểm của sản phẩm, là yếu tố then chốt.
Tận dụng các mã giảm giá và voucher độc quyền cũng là một cách hiệu quả để tối ưu hóa lợi ích. Cuối cùng, dù tin tưởng vào nhà sáng tạo đến mấy, việc kiểm chứng lại thông tin, đọc thêm các đánh giá từ nhiều nguồn khác nhau vẫn là thói quen cần thiết để đưa ra quyết định mua sắm đúng đắn.
Thị trường video thương mại tại Việt Nam, với YouTube Shopping là một phần quan trọng, đang mở ra một kỷ nguyên mới của mua sắm tiện lợi và cá nhân hóa.
Sự giao thoa giữa giải trí và thương mại không chỉ định hình lại hành vi tiêu dùng mà còn tạo ra những động lực tăng trưởng mới cho toàn bộ nền kinh tế số.