Nhảy đến nội dung

Bất ngờ lượng người chiêm bái xá lợi Phật và xá lợi bồ tát Thích Quảng Đức

Hơn 100.000 lượt người mỗi ngày đến chiêm bái xá lợi Phật tại chùa Thanh Tâm trong khuôn khổ đại lễ Vesak 2025.

Tại họp báo thông tin sau lễ bế mạc đại lễ Vesak 2025, thượng tọa Thích Tâm Hải, Trưởng ban Thông tin - Truyền thông, Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM cho biết, từ ngày 3 - 8.5, ban tổ chức thống kê được mỗi ngày có hơn 100.000 lượt người vào chiêm bái xá lợi Phật tại chùa Thanh Tâm (H.Bình Chánh, TP.HCM).

Còn tại Việt Nam Quốc Tự (Q.10), dù chỉ mới mở cửa đón người dân vào chiêm bái xá lợi trái tim bồ tát Thích Quảng Đức từ ngày 6.5 nhưng đã có hơn 60.000 người đến chiêm bái.

“Ngày 3.5 là ngày đầu tiên cho người dân vào chiêm bái xá lợi Phật tại chùa Thanh Tâm nên chúng tôi không lường được lượng người lớn ở các tỉnh đổ về. Những ngày sau đó chúng tôi đã thay đổi cách bố trí nên tình hình tương đối ổn định trở lại. Đội ngũ tình nguyện viên hỗ trợ đại lễ rất tốt, đó là hình ảnh đẹp, thể hiện tinh thần phụng sự trong đại lễ Vesak 2025 ở các bộ phận”, thượng tọa Thích Tâm Hải nhận định.

Trong đại lễ Vesak 2025, xá lợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được cung thỉnh về Việt Nam để tôn trí và chiêm bái trong 20 ngày. 

Trước đó, sáng 2.5, xá lợi Phật được cung rước bằng chuyên cơ quân sự Ấn Độ đến sân bay Tân Sơn Nhất. Hộ tống xá lợi Phật có 2 bộ trưởng của Ấn Độ. 

Sau lễ cung nghinh ở sân bay Tân Sơn Nhất do đại lão hòa thượng Thích Trí Quảng - Đức Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam cử hành, xá lợi Phật được cung rước về Học viện Phật giáo Việt Nam, sau đó tôn trí tại chùa Thanh Tâm.

Sau khi được tôn trí để đồng bào chiêm bái tại chùa Thanh Tâm, xá lợi Phật được cung rước lên núi Bà Đen (Tây Ninh, từ ngày 8 - 13.5), chùa Quán Sứ (Hà Nội, từ ngày 13 - 16.5) và tại Tam Chúc (Hà Nam, từ ngày 17 - 21.5), sau đó xá lợi được đưa về lại Ấn Độ.

Cũng tại lễ bế mạc đại lễ Vesak 2025, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã trao các chứng nhận xác lập kỷ lục Việt Nam cho Ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Các nội dung, hoạt động được tổ chức trong đại lễ ghi nhận kỷ lục, gồm: Lá cờ Phật giáo lớn nhất Việt Nam; Quả cầu Vesak lớn nhất Việt Nam; Câu đối chào mừng đại lễ Vesak đặc biệt nhất (câu đối gốc dịch ra các câu đối và thơ bằng tiếng nước ngoài); Đêm hoa đăng Vesak cầu nguyện hòa bình thế giới lớn nhất với hơn 60.000 hoa đăng; Triển lãm bảo vật Phật giáo quốc gia lớn nhất (87 bảo vật); Đại lễ Vesak có nhiều chương trình hoạt động nghệ thuật nhất; Thiền trà Vesak quy mô lớn nhất (với hơn 10.000 lượt người tham dự).