Bất động sản phản ứng tích cực hậu sáp nhập: Doanh nghiệp hồ hởi bung hàng, người mua sẵn lòng “mở hầu bao”

Sau Bình Dương, thị trường bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu bắt đầu có những phản ứng tích cực khi “chung nhà” với Tp.HCM. Nhiều doanh nghiệp tăng tốc bung hàng đón đầu nhịp sóng đang dâng cao của quá trình sáp nhập - đô thị hoá.
Doanh nghiệp sợ lỡ nhịp "sóng"
Bộ máy chính quyền Tp.HCM mới chính thức đi vào vận hành từ ngày 1/7 đang tạo tâm lý hồ hởi và những kì vọng đột phá cho thị trường địa ốc phía Nam. Liên tục những ngày qua, các hoạt động từ phía doanh nghiệp diễn ra sôi nổi ở cả Bình Dương lẫn Bà Rịa Vũng Tàu – 2 địa phương "mang hộ khẩu" Tp.HCM.
Thực tế, ngày 12/6/2025 khi Quốc hội chính thức bấm nút thông qua Nghị quyết sáp nhập Tp.HCM - Bà Rịa Vũng Tàu - Bình Dương thì ngay sau đó, doanh nghiệp bất động sản đã có động thái bung hàng sôi nổi. Gần như, các doanh nghiệp chỉ chờ đợi khoảnh khắc "chuyển giao" của thị trường để sẵn sàng cho những nỗ lực đón đầu đã được tính toán trước đó.
Nếu Bình Dương hồ hởi với phân khúc căn hộ thì Bà Rịa – Vũng Tàu lại nghiêng về sản phẩm nhà phố, biệt thự biển, căn hộ du lịch, shophouse, khách sạn... với quy mô đầu tư khá lớn.
Mới đây, Tập đoàn Năm Sao chính thức khởi công hai tổ hợp căn hộ, khách sạn 5 sao là Five Star Odyssey và Five Star Poseidon, với tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng tại TP biển Vũng Tàu. Bộ đôi này có quy mô 1.000 căn hộ và 300 phòng khách sạn 5 sao, ra mắt đúng thời điểm Bà Rịa – Vũng Tàu "chung nhà" với Tp.HCM.
Một dự án quy mô gần 97ha của Sun Group là KĐT Blanca tại Vũng Tàu cũng chính thức ra mắt vào tháng 6/2025 với tổng mức đầu tư gần 37.000 tỷ đồng. Dự án bao gồm biệt thự đơn lập, biệt thự song lập, nhà phố liền kề, căn hộ chung cư, condotel, shophouse và khách sạn.
Dự án Gold Coast Vũng Tàu cũng không nằm ngoài "cuộc chơi" khi mới đây rục rịch ra thị trường các sản phẩm biệt thự, shophouse và nhà phố liên kế. Dự án có quy mô 1.300ha được phát triển bởi Goal Coast Holding.
Không lỡ "nhịp sóng" của thị trường, dự án The Grand Hồ Tràm đã khởi công phân khu mới 35ha, tổng vốn đầu tư trên 1 tỉ USD. Phân khu này bao gồm khách sạn 5 sao, biệt thự nghỉ dưỡng, tiện ích giải trí, casino, trung tâm hội nghị và triển lãm quốc tế… với hơn 6.000 phòng, phục vụ được khoảng 18.000 khách lưu trú mỗi ngày.
Cùng khu vực Hồ Tràm, dự án Le Palmier hồ Tràm Resort được quản lý và vận hành bởi Công ty Cổ phần Đông Tây Hospitality (đơn vị thành viên của Đông Tây Group) mới đây được trao quyết định đạt tiêu chuẩn 4 sao quốc gia. Dự án với các dòng sản phẩm biệt thự nghỉ dưỡng, căn hộ khách sạn đạt tiêu chuẩn này góp phần cho sự phát triển chất lượng dịch vụ du lịch Tp.HCM hậu sáp nhập.
Tận dụng sức nóng của thị trường, dự án The Maris của TDG Group (Tp.Vũng Tàu, nay là P.Vũng Tàu, Tp.HCM) cũng tiếp tục tung phân khu căn hộ Polarism. Hiện phân khu đã đóng nắp hầm, bước vào giai đoạn xây dựng phân thân.
Ngoài việc phản ứng tích cực với quy hoạch sáp nhập, động thái bung hàng của doanh nghiệp bất động sản tại Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ) còn hướng đến làn sóng hạ tầng đang đầu tư mạnh mẽ tại khu vực. Cụ thể, các dự án hạ tầng trọng điểm như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, sân bay Long Thành, đường ven biển Vũng Tàu – Bình Thuận, Cầu Phước An, Vành đai 4... tạo niềm tin tăng trưởng cho doanh nghiệp ở giai đoạn mới.
Người mua sợ lỡ cơ hội
Mức độ quan tâm tích cực ở các dự án cho thấy, người mua cũng "sốt sắng" vào thị trường không kém gì các doanh nghiệp địa ốc. Họ kì vọng rằng, ở giai đoạn đầu của quá trình sáp nhập – đô thị hóa chính là cơ hội để gia tăng giá trị tài sản trong tương lai.
Theo đó, tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội của người mua đã dần xuất hiện trên thị trường, từ đó thúc đẩy mức độ quan tâm đến các bất động sản.
Dữ liệu mới đây của Batdongsan.com.vn chỉ ra, các khu vực tại Bà Rịa – Vũng Tàu (cũ) đang duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định về giá và mức độ quan tâm của người mua. Điều này thể hiện, nhu cầu là hiện hữu, người mua phản ứng tốt với các thông tin quy hoạch, dù thị trường đã trải qua thời gian dài biến động.
Trong bối cảnh, siêu đô thị Tp.HCM mới hình thành với gần 14 triệu dân và quy mô kinh tế lớn nhất cả nước thì những kì vọng của người mua bất động sản là hoàn toàn có sơ sở. Hậu sáp nhập, hạ tầng chắc chắn sẽ được thúc đẩy đầu tư, xu hướng giãn dân diễn ra mạnh mẽ là cơ hội cho vùng giá bất động sản còn thấp. Điều này không chỉ tạo tâm lý nhất thời với người mua mà tiềm năng được nhìn nhận rõ trong dài hạn.
Ông Trần Khánh Quang, một người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư bất động sản cho rằng, trong ngắn hạn, việc sáp nhập Tp.HCM – Bình Dương – Bà Rịa Vũng Tàu sẽ tạo tâm lý tốt đối với thị trường, từ đó tăng kì vọng về mặt bằng giá. Trong dài hạn, sự sáp nhập sẽ tái cấu trúc toàn bộ hệ sinh thái bất động sản Tp.HCM, phân bổ lại cơ cấu dân cư, giúp giãn dân nội đô, tạo động lực phát triển các vùng đô thị đa trung tâm, thu hút FDI. Vị này dự báo, bất động sản Bà Rịa – Vũng Tàu có thể sẽ tăng từ 20-30% trong thời gian tới, nhờ những lực đẩy về quy hoạch đồng bộ sau sáp nhập.
Cùng quan điểm, bà Giang Huỳnh, Giám đốc bộ phận Nghiên cứu Savills TPHCM chia sẻ, sự ra đời của Tp.HCM mới sẽ tạo ra một trung tâm kinh tế đô thị, quy tụ sức cạnh tranh mạnh mẽ. Nhờ đó, các lợi thế tự nhiên, địa lý và cơ sở hạ tầng của từng địa phương được phát huy tối đa, từ đó hình thành nên những khu đô thị mới, kéo theo làn sóng đầu tư và nhu cầu nhà ở liên tục mở rộng. "Tp.HCM mới sau sáp nhập có kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ vào mạng lưới giao thông quốc gia, giúp rút ngắn thời gian đi các khu vực, sẽ tạo ra giá trị gia tăng cho bất động sản", bà Giang nhấn mạnh.