'Bare Beating' là gì mà gây bức xúc trên phương tiện công cộng?

TPO - Một trào lưu mới trên các phương tiện giao thông công cộng tại Anh đang khiến hàng triệu hành khách bức xúc, đó là: Hành vi phát nhạc, xem video hoặc gọi điện bằng loa ngoài mà không sử dụng tai nghe. Trào lưu này được gọi bằng cái tên “bare beating”, tạm dịch là “đánh nhạc trần”.
Dù không phải là hiện tượng mới, nhưng sự lan rộng của “bare beating” đang trở thành chủ đề nóng trên mạng xã hội và trong các cuộc thảo luận về văn hóa ứng xử nơi công cộng. Nhiều người cho biết họ cảm thấy bị làm phiền, thậm chí khó chịu khi buộc phải nghe nhạc TikTok, video YouTube hoặc những cuộc trò chuyện ồn ào từ điện thoại của người lạ trên cùng một chuyến tàu hay xe buýt.
“Tại sao mọi người lại nghĩ rằng bật loa ngoài nơi công cộng là chuyện bình thường? Không ai muốn nghe nhạc của bạn cả”, một người dùng TikTok bức xúc.
Trào lưu này thậm chí còn bao gồm việc mang theo cả loa Bluetooth lên tàu để “quẩy” giữa không gian chung. Một người dùng mạng xã hội X viết: “Tôi không hiểu nổi sao có người nghĩ rằng mang loa lên tàu rồi bật nhạc ầm ầm lại là điều có thể chấp nhận được”.
![]() |
Hành vi phát nhạc, xem video hoặc gọi điện bằng loa ngoài mà không sử dụng tai nghe - hiện được gọi bằng cái tên "bare beating". |
Trước làn sóng bức xúc từ công chúng, Đảng Dân chủ Tự do đang kêu gọi sửa đổi pháp luật nhằm cấm hoàn toàn hành vi “bare beating” trên các phương tiện công cộng ở Anh. Đảng này đề xuất bổ sung quy định vào dự luật dịch vụ xe buýt đang trình Quốc hội, đồng thời phát động một chiến dịch toàn quốc nhằm lên án những người bị gọi là “kẻ né tai nghe” (headphone dodgers).
Theo đề xuất, những cá nhân vi phạm có thể đối mặt với mức phạt lên tới 1.000 bảng Anh (hơn 34 triệu đồng), nhằm bảo vệ quyền được yên tĩnh của các hành khách khác.
Phát biểu về vấn đề này, bà Lisa Smart - người phát ngôn phụ trách nội vụ của Đảng Dân chủ Tự do - cho biết: “Rất nhiều người cảm thấy lo ngại mỗi ngày đi làm vì hành vi vô ý thức trên phương tiện công cộng và những kẻ phát nhạc ầm ĩ là một trong những thủ phạm nghiêm trọng nhất. Ai cũng xứng đáng có được một hành trình bình yên, dù là đi làm, đưa con đi học hay đơn giản là muốn nghỉ ngơi một chút”.
Một cuộc khảo sát do Savanta thực hiện theo ủy quyền của Đảng Đảng Dân chủ Tự do cho thấy: Hơn một nửa người dân Anh cảm thấy không đủ tự tin để yêu cầu người khác giảm âm lượng khi bị làm phiền trên phương tiện công cộng. Cũng hơn 1/3 cho biết họ thường xuyên hoặc thỉnh thoảng gặp phải tình trạng người khác bật âm thanh lớn nơi công cộng.
Người phát ngôn Bộ Giao thông vận tải Anh nhấn mạnh: “Hiện đã có các quy định nghiêm ngặt nhằm ngăn chặn hành vi thiếu văn minh trên phương tiện công cộng, bao gồm mức phạt lên tới 1.000 bảng Anh”. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các quy định hiện tại vẫn còn chưa cụ thể và chưa được thực thi nghiêm túc, dẫn đến tình trạng “nhờn luật”.
Cùng với sự gia tăng của các hành vi thiếu ý thức như hút vape, nói chuyện bằng loa ngoài, hay thậm chí livestream ngay trên tàu, đề xuất từ Đảng Dân chủ Tự do đang nhận được sự ủng hộ từ đông đảo người dân - những người tự nhận là “đa số thầm lặng” chỉ mong được di chuyển từ điểm A đến điểm B trong yên bình.