Bão Wipha tiếp tục mạnh lên, quản lý bay họp khẩn

Các cơ sở điều hành bay tăng cường công tác chỉ huy bay, xây dựng phương án ứng phó như bay chờ, bay tránh bão, đổi đường bay
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 13 giờ ngày 19-7, tâm bão Wipha (bão số 3) ở trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất cấp 9 - 10 (75 đến 102 km/giờ), giật cấp 12. Bão di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ khoảng 20 km/giờ. Dự báo đến 13 giờ ngày 20-7, bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.
Theo Trung tâm Cảnh báo thời tiết thuộc Trung tâm Khí tượng hàng không (Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam - VATM), hiện nay tâm bão chưa có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến 2 vùng thông báo bay (FIR) Việt Nam. Tuy nhiên, theo kết quả dự báo hiện tại về quỹ đạo bão Wipha của 11 Trung tâm dự báo khu vực và toàn cầu, các mô hình có sự đồng nhất cao về khả năng bão di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp vào đất liền nước ta.
Ngay từ khi có tin đầu tiên về bão Wipha (từ khi còn là áp thấp nhiệt đới gần biển Đông), Lãnh đạo Trung tâm Khí tượng hàng không đã chỉ đạo Trung tâm Cảnh báo thời tiết chủ trì, trực giám sát, phối hợp cùng Kíp trực thảo luận đưa ra nhận định, dự báo, cảnh báo về cường độ, đường đi, phạm vi ảnh hưởng của bão với độ tin cậy cao nhất. Cung cấp các bản tin và cập nhật theo đúng quy định cho Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng không, Tổng Công ty, Cục hàng không Việt Nam và các bên liên quan qua các nhóm ứng phó bão và trên website của Trung tâm.
Trước diễn biến phức tạp về đường đi, cường độ và phạm vi ảnh hưởng của bão, các kíp trực khí tượng chủ động theo dõi sát sao, cập nhật liên tục diễn biến của bão, trao đổi với các FIR lân cận nhằm đảm bảo chất lượng bản tin dự báo, cảnh báo; cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác cho các bên liên quan, đặc biệt là các cơ sở điều hành bay nhằm có phương án ứng phó bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay.
Trước đó, chiều ngày 18-7, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn VATM đã tổ chức cuộc họp khẩn, tập trung đánh giá tình hình và triển khai các phương án ứng phó toàn diện, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay trong mọi tình huống thời tiết xấu.
Phó Tổng giám đốc VATM Nguyễn Mạnh Kiên nhấn mạnh yêu cầu nghiêm túc triển khai công tác ứng phó thiên tai, chủ động phương án điều hành phù hợp với từng cấp độ rủi ro.
Các đơn vị tại khu vực dự báo bị ảnh hưởng nhanh chóng kích hoạt phương án ứng phó tại chỗ, chủ động xử lý hiệu quả các tình huống khẩn cấp.
Các đơn vị kỹ thuật đảm bảo hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát hoạt động ổn định 100%; kiểm tra, chằng néo các công trình, đài trạm theo phương án đã được phê duyệt; bố trí lực lượng kỹ thuật trực 24/24, sẵn sàng khắc phục mọi sự cố.
Các cơ sở điều hành bay tăng cường công tác chỉ huy bay, xây dựng phương án ứng phó với tình huống thời tiết xấu như bay chờ, bay tránh bão, đổi đường bay, tăng cường phân cách, lựa chọn đường cất hạ cánh linh hoạt để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay.
Trung tâm Quản lý luồng không lưu xây dựng và triển khai các phương án điều tiết luồng không lưu, giãn cách, chuyển hướng hoặc thay đổi mực bay khi cần thiết; phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ hàng không và Cảng hàng không trong việc điều chỉnh kế hoạch bay theo diễn biến thời tiết.
"Các đơn vị cần chuẩn bị kỹ các phương án theo đúng quy trình đã ban hành, tuyệt đối không chủ quan, bảo đảm an toàn cho người, thiết bị và duy trì hoạt động bay thông suốt."- ông Kiên nhấn mạnh