Bão Wipha có thể giật cấp 15, nguy cơ 18 tỉnh ảnh hưởng trực tiếp

Bão Wipha được nhận định có quỹ đạo tương đồng với cơn bão Yagi năm 2024, dự báo có thể mạnh cấp 10-11, giật tới cấp 14-15. Bộ NN&MT yêu cầu các địa phương có nguy cơ cao khẩn trương triển khai phương án ứng phó, không để bị động khi bão đổ bộ.
Bão Wipha có đường đi tương tự bão Yagi trong năm 2024
Chiều 18/7, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT) Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì cuộc họp khẩn cấp ứng phó với cơn bão Wipha.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão Wipha đang ở vùng biển phía Đông đảo Lu-Dông (Philippines), di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h. Dự báo rạng sáng mai (19/7), bão sẽ vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm nay.
Khoảng từ chiều 21/7, bão bắt đầu tác động đến đất liền nước ta, đặc biệt là khu vực từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Phạm vi ảnh hưởng của bão sẽ bao phủ 18 tỉnh, trong đó có 1.713 xã.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết cơn bão có khả năng gây mưa lớn với lượng mưa dự báo có thể lên tới 200-350mm, có nơi trên 600mm. Mưa lớn kéo dài từ ngày 21-24/7, và sau khi bão vào đất liền, hệ thống thời tiết xấu phía sau bão có thể tiếp tục gây mưa cho Bắc Bộ đến khoảng ngày 25/7.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, mặc dù bão Wipha có thể không mạnh như bão Yagi, nhưng không thể chủ quan. Đặc biệt, vào thời điểm này, các hoạt động du lịch hè đang vào cao điểm, trong khi hoạt động nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản vẫn đang diễn ra mạnh mẽ. Cùng với đó, vụ mùa lúa và nhiều loại rau màu mới bắt đầu, nên khả năng thiệt hại do mưa bão có thể rất lớn.
Thứ trưởng Hiệp cũng nhấn mạnh rằng bão Wipha có đường đi tương tự bão Yagi, nên cần phải chuẩn bị phương án phòng chống cơn bão có thể đạt cường độ mạnh lên tới cấp 10-11, với gió giật mạnh đến cấp 14-15.
Đảm bảo an toàn hồ chứa và phòng chống lũ quét, sạt lở
Một trong những vấn đề mà Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp đặc biệt quan tâm là tình hình an toàn các hồ chứa thủy điện, đặc biệt là các hồ ở Bắc Bộ và miền Trung. Hiện nay, mực nước tại nhiều hồ chứa đã đạt mức cao, với nhiều hồ có dung tích lên tới 85% hoặc hơn. Những khu vực có hồ thủy điện như Tuyên Quang, Hòa Bình và Sơn La đang có nguy cơ tiềm ẩn về lũ quét nếu mưa lớn xảy ra.
Thứ trưởng yêu cầu Bộ Công Thương cần có quy trình vận hành thủy điện nghiêm ngặt trong tình huống khẩn cấp, không để xảy ra sự cố tương tự như tại hồ Thác Bà năm ngoái. Đồng thời, các hồ chứa phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình vận hành, ưu tiên bảo đảm an toàn tối đa.
Trong bối cảnh cơn bão Wipha sắp ảnh hưởng, ông Hiệp yêu cầu các đơn vị liên quan, đặc biệt là Cục Quản lý Đê điều và Phòng chống thiên tai, khẩn trương triển khai cán bộ xuống các địa phương có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi bão. Cùng với việc chủ động phòng chống thiên tai, Thứ trưởng nhấn mạnh đây cũng là cơ hội để kiểm tra hiệu quả của hệ thống chỉ đạo, điều hành phòng chống thiên tai của chính quyền cấp tỉnh và cấp xã.
Theo diễn biến của bão, Bộ NN&MT sẽ báo cáo Chính phủ và tổ chức họp trực tuyến với các địa phương để thống nhất phương án ứng phó, điều phối các đoàn công tác chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường nếu cần thiết. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp nhấn mạnh, đây là tình huống rất quan trọng, không chỉ vì ảnh hưởng của bão Wipha mà còn là bài kiểm tra thực tế sự phối hợp và vận hành của toàn bộ hệ thống chỉ huy phòng chống thiên tai, từ cấp Trung ương đến địa phương.
Thứ trưởng kêu gọi các đơn vị tuyệt đối không chủ quan và luôn sẵn sàng cao nhất để đối phó với những tình huống bất ngờ trong suốt diễn biến bão.