Bảo tàng ở TP.HCM: Bảo tàng có 'tuổi đời' lớn nhất ở phía nam

Dấu ấn công trình kiến trúc Đông Dương độc đáo
Bảo tàng Lịch sử TP.HCM (2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P.Bến Nghé, Q.1), nằm ngay bên cạnh Thảo Cầm Viên. Tiền thân của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM là Musée Blanchard de la Brosse. Đây được xem là bảo tàng đầu tiên ở phía nam, được thành lập năm 1929.
Bảo tàng có diện tích sử dụng khoảng 6.057 m² với hai khối nhà chính. Trong đó, khối nhà cổ được xây dựng vào năm 1927, do kiến trúc sư người Pháp Auguste Delaval thiết kế theo kiến trúc cổ điển.
Còn khối nhà mới được xây nối tiếp vào tòa nhà cổ, hoàn thành vào năm 1970 theo phong cách kiến trúc "Đông Dương cách tân", do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế.
Mái ngói cong, cửa vòm, hành lang rộng và khoảng sân thoáng đãng… tất cả tạo nên một tổng thể hài hòa, vừa cổ kính vừa trang nghiêm.
Do đó, có thể nói, ngoại trừ không gian trưng bày hiện vật, thì chính kiến trúc của bảo tàng cũng là một phần quan trọng thu hút khách tham quan.
Bảo tàng lưu giữ hơn 40.000 hiện vật, tái hiện 4.000 năm lịch sử dân tộc
Điểm nổi bật nhất của Bảo tàng Lịch sử TP.HCM chính là kho tàng hiện vật phong phú và quý giá.
Bảo tàng có hơn 40.000 hiện vật gắn với nhiều giai đoạn phát triển khác nhau của lịch sử Việt Nam, từ thời tiền sử - sơ sử, các nền văn hóa cổ đại như Sa Huỳnh, Đông Sơn, Óc Eo, cho đến các triều đại phong kiến Việt Nam và thời kỳ thuộc địa, bảo tàng mở ra một hành trình xuyên thời gian sống động.
Ngoài các hiện vật mang giá trị khảo cổ học và mỹ thuật, bảo tàng còn sở hữu nhiều sưu tập độc đáo về dân tộc học, như trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số, đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ dân gian…
Đặc biệt, bảo tàng đang lưu giữ 12 bảo vật quốc gia, những hiện vật đặc biệt quý hiếm và có giá trị tiêu biểu cho văn hóa Việt Nam.
Bảo tàng hiện có 18 phòng trưng bày thường xuyên. Cụ thể:
Phòng 1: Thời Nguyên thủy (cách nay khoảng 500.000 - 2.879 trước công nguyên), trưng bày nội dung, hình ảnh, hiện vật về thời đại đá cũ ở Việt Nam (cách nay khoảng 500.000 - 10.000 năm) và thời đại đá mới (cách nay khoảng 10.000 - 4.000 năm); bản đồ một số di tích thời đại đồ đá trên thế giới...
Hiện vật thuộc thời đại đá mới ở Việt Nam
ẢNH: T.L
Phòng 2: Thời dựng nước và giữ nước (2.879 trước công nguyên - 938), giới thiệu sơ nét về ba nền văn hóa với các nhà nước sớm: nước Văn Lang - Âu Lạc trên cơ sở văn hóa Đông Sơn ở miền Bắc, nước Lâm Ấp trên cơ sở nền văn hóa Sa Huỳnh ở miền Trung và vương quốc Phù Nam trên cơ sở nền văn hóa Đồng Nai - Óc Eo ở miền Nam.
Phòng 2 trưng bày trống đồng, rìu, dao găm, muôi...
ẢNH: T.L
Phòng 3: Thời Ngô - Đinh - Tiền Lê (939 - 1009), trưng bày nội dung về bước đầu xây dựng nền độc lập tự chủ sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền và sự phát triển quốc gia dưới các triều đại độc lập đầu tiên.
Phòng 4: Thời Lý (năm 1009 - 1225), giới thiệu nội dung và trưng bày hiện vật về những dấu ấn sâu đậm trên các lĩnh vực văn hoá, tôn giáo, pháp luật, kinh tế, chính trị... Với hơn 200 năm tồn tại, nhà Lý đã có công làm cho đất nước trở nên cường thịnh, củng cố nền tự chủ, thúc đẩy văn minh Đại Việt phát triển.
Phòng 5: Thời Trần - Hồ (1226 - 1407), giới thiệu về những thành tựu văn hoá, chính trị, khoa học. Nổi bật là ba lần đánh bại quân xâm lược Mông Nguyên vào các năm 1258,1285, 1288.
Phòng 6: Văn hóa Champa (thế kỷ 2 - 17), trưng bày những hiện vật quý hiếm của vương quốc Champa xưa với nhiều tượng gốm, tượng đồng, các tác phẩm điêu khắc kiến trúc...
Phòng 7: Văn hóa Óc Eo (thế kỷ 1 - 7), trưng bày hiện vật phản ánh đời sống của cư dân cổ thuộc vương quốc Phù Nam ở vùng châu thổ sông Mê Kông. Các hiện vật có thể kể đến như tượng Phật, đồ trang sức...
Phòng 8: Điêu khắc đá Campuchia (thế kỷ 9 - 13), trưng bày hiện vật điêu khắc bằng đá như tượng tròn, phù điêu...
Phòng 9: Thời Lê sơ - Mạc - Lê Trung Hưng (1428 - 1788), giới thiệu nội dung, trưng bày hiện vật liên quan tình hình chính trị đất nước sau khởi nghĩa Lam Sơn và sự phân tranh Trịnh - Nguyễn.
Phòng 10: Thời Tây Sơn (1771 - 1802), trưng bày các hiện vật ghi lại cuộc nổi dậy của ba anh em Tây Sơn (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ), đánh bại các thế lực Trịnh - Nguyễn và lật đổ nhà Lê.
Phòng 11 là khu vực ngoài trời, trưng bày súng thần công (thế kỷ 18 - 19).
Phòng 12: Thời Nguyễn (1802 - 1945), giới thiệu về triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, trưng bày các hiện vật như trang phục hoàng tộc, tiền xu, đồ dùng sinh hoạt, nhạc cụ...
Phòng 13: Bộ sưu tập Dương Hà. Đây là bộ sưu tập do cố vợ chồng Giáo sư Dương Minh Thới và bà Hà Thị Ngọc đã dày công sưu tầm vào những năm 1930 - 1940, sau đó gia đình tặng lại cho bảo tàng.
Đây là bộ sưu tập lớn, phong phú và đa dạng về chất liệu, loại hình, xuất xứ với niên đại trải dài từ thời tiền sử đến đầu thế kỷ 20
ẢNH: T.L - P.T.N
Phòng 14: Thương mại hàng hải - Di sản gốm sứ từ những con tàu đắm trên biển Đông, trưng bày hàng trăm hiện vật gồm bình, tô, chén... từ các con tàu đắm.
Phòng 15: Xác ướp Xóm Cải (thế kỷ 19). Thi hài của bà Trần Thị Hiệu được lưu giữ tại bảo tàng, được phát hiện vào năm 1994 tại Xóm Cải (P.8, Q.5, TP.HCM) trong một nhà mồ có quy mô khá lớn. Bảo tàng Lịch sử TP.HCM là nơi lưu giữ xác ướp duy nhất ở Việt Nam.
Phòng 16: Bộ sưu tập Vương Hồng Sển, đang được sửa chữa, cải tạo lại để thống nhất với cách trưng bày toàn bảo tàng.
Phòng 17: Văn hóa các dân tộc phía nam Việt Nam, trưng bày, giới thiệu một số hiện vật, nét văn hóa truyền thống của các cộng đồng ngữ hệ Nam Á, Mông - Dao, Nam Đảo...
Học sinh Trường mầm non 1, Q.5 tham quan phòng 17. Bà Cổ Thị Minh Nguyệt, Phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết hoạt động đưa học sinh đến bảo tàng nằm trong chương trình giáo dục lịch sử, tìm hiểu văn hóa dân tộc của trường. Đến Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, các em rất thích thú vì được nhìn tận mắt các hiện vật, được xem múa rối nước và tham gia nhiều hoạt động bổ ích
ẢNH: T.L
Phòng 18: Tượng Phật giáo một số nước châu Á, trưng bày các tượng Phật đến từ Thái Lan, Camphuchia, Lào, Việt Nam.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM còn có phòng trưng bày chuyên đề ngắn hạn với nhiều hiện vật độc đáo.
Không gian trải nghiệm - giáo dục sống động và hiện đại
Không chỉ dừng lại ở việc trưng bày hiện vật, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM còn đầu tư mạnh vào các hoạt động giáo dục, trải nghiệm tương tác của khách tham quan, nhất là với người trẻ.
Trong thời đại công nghệ số, bảo tàng cũng bắt kịp xu hướng với dự án "Bảo tàng tương tác thông minh 3D/360", giúp khách tham quan khám phá hiện vật qua không gian thực tế ảo, tour trực tuyến với hình ảnh chất lượng cao và thuyết minh đa phương tiện.
Đây là bước đi tích cực nhằm hiện đại hóa bảo tàng, phù hợp xu hướng trải nghiệm không gian văn hóa - lịch sử thông minh, mở ra cơ hội tiếp cận tri thức lịch sử cho đông đảo công chúng trong nước và quốc tế.