Nhảy đến nội dung
 

Bảo tàng không cho mở cà phê, nhà hàng nhưng quán bia lại được hoạt động

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, người vẫn được gọi là "vua bảo tàng" luôn mơ có một quán cà phê, một nhà hàng văn hóa - xanh - đẹp xuất hiện ở tất cả các bảo tàng trong nước.

Bảo tàng có nhiều cái "lần đầu tiên"

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam có nhiều cái "lần đầu tiên" trong trưng bày, kể từ khi thành lập năm 1995. Khi đó, lần đầu tiên, công chúng Việt Nam đến tham quan một bảo tàng được nghe các dân tộc trực tiếp giới thiệu về văn hóa, ngôn ngữ của họ thông qua những clip dựng bằng lời hoặc qua các buổi biểu diễn.

Cũng là lần đầu tiên, một bảo tàng có khu trưng bày ngoài trời, là những ngôi nhà của các dân tộc ở khắp mọi miền đất nước. Lần đầu tiên, người dân được tự đưa ra ý tưởng, tự tay lựa chọn những hình ảnh, hiện vật của dân tộc mình để trưng bày, giới thiệu cho du khách. Lần đầu tiên trong một bảo tàng có phòng trải nghiệm cho trẻ em, có bảo tàng bỏ túi bằng công nghệ 3D…

Và mới đây nhất là việc kết hợp công - tư, tái thiết không gian xanh trong bảo tàng, từ một nhà ăn cũ thành không gian Trúc Lâm - nơi sau khi du khách tham quan bảo tàng có thể dừng chân nghỉ ngơi, nhâm nhi tách trà, món ăn dân tộc. Nhưng đặc biệt hơn, nó là không gian đậm chất văn hoá dân tộc được nép dưới bóng gốc đa cổ thụ với một bức tường được xây dựng theo kỹ thuật nhà tường trình của người Hà Nhì.

PGS.TS Nguyễn Văn Huy, người vẫn được gọi là "vua bảo tàng", rất vui khi biết tin Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam nhận cùng lúc 2 giải thưởng kiến trúc quốc tế cho không gian Trúc Lâm. Từng là Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, đó là ước mơ của ông suốt 30 năm qua. Nhưng xa hơn nữa, ông Huy mơ có một quán cà phê, một nhà hàng văn hóa - xanh - đẹp xuất hiện ở tất cả các bảo tàng trong nước.

"Nhiều năm nay, nhà quản lý không cho bảo tàng mở cà phê, nhà hàng, nhất là ở các tỉnh. Đấy là quan điểm rất lạc hậu, kìm hãm sự phát triển, không thỏa mãn nhu cầu khách tham quan. Mặt khác, họ lại cho mở quán bia trong không gian bảo tàng. Theo tôi, quan trọng là làm thế nào để không gian quán trong bảo tàng giàu tính văn hóa, hiện đại", GS.Huy chia sẻ.

Ông mong muốn, từ mô hình của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, là kết hợp công - tư để tạo ra không gian kết nối đậm chất văn hoá, sẽ tạo hiệu ứng để các bảo tàng khác thay đổi theo. 

"Nhiều nơi, sân vườn văn hóa đang mất dần, mất hết. Người ta chỉ muốn bê tông hoá. Vì thế, không những bảo tàng cần tạo ra không gian xanh giới thiệu văn hóa, mà nông thôn cũng cần giữ những không gian như thế. Nếu không, sau 50 năm nữa chúng ta lại tiếc vì những không gian văn hóa đã mất đi không thể cứu", ông Huy nói.

Vì thế, để các bảo tàng có thể chuyển mình, theo ông, việc đầu tiên phải thay đổi quan niệm về bảo tàng, tư duy về các không gian, tư tưởng về kiến trúc xanh, về giới thiệu văn hóa.

Bên cạnh đó, phải đưa bảo tàng trở thành nơi "giáo dục trải nghiệm" cho những người trẻ - thế hệ sẽ quyết định số phận của di sản và tương lai của đất nước. Nếu làm được như vậy, trong tương lai, Việt Nam sẽ có một thế hệ biết yêu, biết nhận diện, bình phẩm và tôn trọng lịch sử, di sản văn hóa của dân tộc.

"Đó là sự đầu tư cho tương lai một cách hiệu quả”, ông nói.

Dùng công nghệ để khách tham quan "đi vào" lịch sử

Kiến trúc sư Trình Phương Quân từng tốt nghiệp thạc sĩ ngành kỹ thuật xây dựng và môi trường tại Đại học Stanford (Mỹ), đặc biệt yêu thích bảo tàng. Anh dành nhiều thời gian tham bảo tàng các nước như Mỹ, Singapore... Vì thế, theo anh, tái thiết bảo tàng trước hết nên bắt đầu từ việc làm cho nó hấp dẫn hơn với người tham quan, chứ không chỉ là chỗ trưng bày hiện vật một cách khô khan như đa phần các bảo tàng đang làm.

Theo anh, điều tiên quyết là thiết kế lại không gian trưng bày linh hoạt hơn, có chỗ tương tác chứ không chỉ đứng nhìn hiện vật.

Thứ hai, phải dùng công nghệ kiểu VR (thực tế ảo), AR (thực tế tăng cường) để khách tham quan có thể "đi vào" lịch sử thay vì chỉ đọc bảng mô tả. 

Anh Quân ví dụ, Bảo tàng Lịch sử Singapore sử dụng công nghệ kết hợp máy chiếu và màn hình cảm ứng để đưa khách tham quan quay trở lại thời kỳ thuộc địa. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các màn hình tương tác hay ứng dụng công nghệ vẫn còn rất hiếm. Điều này không chỉ làm giảm sự hấp dẫn mà còn khiến các bảo tàng trở nên lạc hậu so với xu hướng phát triển công nghệ hiện đại.

Cùng quan điểm với PGS.TS Nguyễn Văn Huy, KTS Trình Phương Quân nhận thấy, không gian đa năng như không gian Trúc Lâm tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam rất ổn: "Các bảo tàng nên kết hợp quán cà phê, khu đọc sách hay workshop để hút khách và nên chú trọng 20% diện tích cho việc này, bởi nó mang nguồn thu lớn".

Theo anh, không gian ăn uống trong bảo tàng không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu mà còn có thể trở thành điểm nhấn, góp phần nâng cao trải nghiệm cho khách tham quan. Việc bố trí khu ăn uống tại đầu và cuối hành trình tham quan là một giải pháp hiệu quả. Ở điểm đầu, các quán cà phê nhỏ gọn hoặc khu vực ăn nhẹ có thể chào đón khách, tạo cảm giác thân thiện và mời gọi. Trong khi đó, tại điểm cuối, một khu vực ăn uống rộng rãi, kết hợp với cửa hàng bán đồ lưu niệm sẽ là nơi khách dừng chân nghỉ ngơi, đồng thời tìm kiếm những kỷ vật gắn liền với trải nghiệm của họ tại bảo tàng.

Thay vì chỉ dựa vào nguồn thu từ vé vào cổng, mô hình vừa nêu không chỉ làm tăng tính thân thiện mà còn khuyến khích khách tham quan ở lại lâu hơn và gắn bó hơn với bảo tàng. Đây không chỉ là giải pháp về kinh tế mà còn là cách để bảo tàng thể hiện vai trò gắn kết cộng đồng trong một không gian cởi mở và sáng tạo.

Cuối cùng, theo anh, hoạt động cộng đồng tổ chức sự kiện, giáo dục, triển lãm theo chủ đề để bảo tàng không bị nhàm chán, mà còn là chỗ giao lưu văn hóa.