Bảo hiểm an ninh mạng - ‘lá chắn’ trên không gian số

Kịch bản lừa đảo công nghệ cao ngày càng được các đối tượng thiết kế tinh vi để đánh vào sự mất cảnh giác của người dùng. Việc chủ động trang bị kiến thức và công cụ phòng vệ trên không gian số ngày càng được quan tâm.
Công nghệ lên ngôi, rủi ro cũng gia tăng
Lợi dụng sự thiếu cảnh giác của nhiều người dùng, các đối tượng lừa đảo liên tục vẽ nên những kịch bản mới và “nhập vai” cán bộ các ngành liên quan để tiếp cận người dùng qua các ứng dụng nhắn tin phổ biến. Chúng thường dẫn dụ nạn nhân truy cập vào đường link gắn mã độc được ngụy trang dưới dạng hỗ trợ dịch vụ công, xác minh thông tin cá nhân hoặc nhận ưu đãi đặc biệt. Sau đó, kẻ lừa đảo tiếp tục hướng nạn nhân truy cập các ứng dụng tài chính, yêu cầu quét mã QR hoặc thực hiện nhận diện khuôn mặt. Sau khi đã chiếm quyền kiểm soát thiết bị và tài khoản, các đối tượng này nhanh chóng chiếm đoạt tiền trong các tài khoản.
Mới đây, một phụ nữ tại Phú Thọ bị lừa mất hơn 82 triệu đồng sau khi nhận cuộc gọi từ một đối tượng tự xưng là công an đang hỗ trợ người dân cập nhật thông tin cá nhân và tham gia góp ý một số nội dung mới trên ứng dụng công. Làm theo hướng dẫn của kẻ gian, chị tải ứng dụng, quét mã QR và thực hiện nhận diện khuôn mặt để “hoàn tất thủ tục”. Chỉ vài phút sau, chị phát hiện tài khoản ngân hàng đã bị trừ số tiền lớn nói trên.
Trước đó không lâu, một người dùng của Viettel Money cũng gặp phải kịch bản tương tự. Tuy nhiên, nhờ đã tham gia chương trình bảo hiểm an ninh mạng trên nền tảng tài chính số này nên người dùng đã được hỗ trợ và nhận bồi thường 20 triệu đồng từ công ty bảo hiểm.
Thời gian qua các chuyên gia an ninh mạng liên tục lên tiếng cảnh báo về sự gia tăng của các hình thức lừa đảo công nghệ cao. Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia thống kê, tính riêng trong năm 2024, trung bình cứ 220 người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam thì có một người từng là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.
Chủ động lập “lá chắn” bảo vệ trong không gian số
Trước thực trạng trên, việc chủ động thiết lập các biện pháp bảo vệ tài sản trên không gian số đã trở thành nhu cầu thiết yếu của người dùng.
Thay vì thụ động trước rủi ro, nhiều người dùng chủ động trong việc trang bị kiến thức và kỹ năng cần thiết để tự bảo vệ mình. Từ nhận diện nguy cơ, sử dụng công nghệ đúng cách đến áp dụng các công cụ bảo mật - mọi bước đi đều đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tài sản giữa thời đại số hóa.
Việc thiết lập xác thực đa yếu tố (MFA) là bước đầu tiên giúp tăng cường bảo mật tài khoản. Xác thực này có thể là mật khẩu kết hợp mã OTP, vân tay hoặc khuôn mặt… giúp hạn chế rủi ro khi thông tin cá nhân bị đánh cắp.
Theo khuyến cáo từ các chuyên gia an ninh mạng, người dùng tuyệt đối không cung cấp mã OTP, mật khẩu hay thực hiện bất kỳ thao tác tài chính nào theo hướng dẫn từ người lạ. Bên cạnh đó, người dùng cần cảnh giác với tin nhắn riêng chứa link lạ, chỉ truy cập các trang web, ứng dụng chính thức… là những nguyên tắc cơ bản để bảo vệ thông tin cá nhân và tài sản trong không gian số.
Song song với việc tự trang bị kiến thức, việc chủ động bảo vệ tài chính bằng các gói bảo hiểm an ninh mạng đang trở thành xu hướng được nhiều người quan tâm.
Đơn cử như trên ứng dụng Viettel Money, người dùng có thể dễ dàng đăng ký gói bảo hiểm an ninh mạng với mức phí chỉ 5.000 đồng/tháng để hưởng quyền lợi được bảo vệ lên đến 50 triệu đồng/năm. Đồng thời, người dùng còn được hỗ trợ chi trả tới 35 triệu đồng, mức bảo vệ lên tới 100% khi chủ tài khoản gặp bất kỳ rủi ro nào liên quan tới thương tật do tai nạn và chịu chi phí điều trị thương tật do tai nạn. Các gói bảo hiểm an ninh mạng cá nhân hiện nay được xem là một trong những giải pháp thiết thực và dễ tiếp cận mà người dùng có thể lựa chọn.
Minh Hòa