Bạo hành 'blouse trắng' - vấn nạn toàn cầu

Tháng 6/2024, một nữ bác sĩ trẻ ở Kolkata, Ấn Độ, bị cưỡng hiếp và sát hại trong khi trực đêm tại bệnh viện. Vụ việc gây chấn động toàn quốc, dẫn đến làn sóng đình công của hàng trăm nghìn nhân viên y tế khắp đất nước, yêu cầu chính phủ siết chặt luật bảo vệ bác sĩ. Theo một khảo sát của Hiệp hội Y khoa Ấn Độ, 75% bác sĩ tại nước này từng bị đe dọa hoặc hành hung trong quá trình làm việc, đặc biệt là ở các bệnh viện công nơi thường xuyên quá tải và thiếu nhân lực.
Không chỉ Ấn Độ, tình trạng bạo lực nhằm vào bác sĩ và nhân viên y tế trở thành một vấn đề nghiêm trọng toàn cầu. Năm 2019, bác sĩ Yang Wen tại bệnh viện dân sự Chaoyang, Bắc Kinh, bị người nhà bệnh nhân đâm tử vong sau khi bà thông báo mẹ của người này không thể tiếp tục điều trị. Vụ việc khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ, được xem là biểu tượng cho cuộc khủng hoảng niềm tin trong quan hệ bác sĩ và người bệnh.
Tháng 3/2023, tại Bệnh viện Melaka, Malaysia, một bác sĩ trực cấp cứu bị người nhà bệnh nhân đánh mạnh vào mặt sau khi bị yêu cầu chờ đến lượt khám. Cảnh sát đã bắt giữ nghi phạm ngay trong đêm.
Nghiên cứu công bố đầu năm 2024 trên PubMed cho thấy 44,88% bác sĩ Trung Quốc từng bị lăng mạ hoặc hành hung trong môi trường làm việc. Ở Malaysia, tỷ lệ này là 70%. Tại Sri Lanka, 45% nữ bác sĩ cho biết họ từng bị quấy rối hoặc xúc phạm trong quá trình hành nghề.
Việt Nam gần đây cũng liên tiếp xảy ra các vụ tấn công y bác sĩ. Mới nhất, một điều dưỡng Khoa Nội, Bệnh viện đa khoa tỉnh Nam Định bị người nhà bệnh nhân xô đẩy, đánh vào đầu ngay trong phòng bệnh. Trước đó, ngày 25/4, các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Thanh Ba (Phú Thọ) cũng bị hành hung khi đang cấp cứu cho một bệnh nhi bị sốc phản vệ.
Tình trạng này khiến ngành y rơi vào khủng hoảng niềm tin.
"Nhân viên y tế bị tấn công ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tinh thần, gây tác động dây chuyền đến chất lượng chăm sóc bệnh nhân", tiến sĩ Jim Campbell, Giám đốc Chương trình Nhân lực Y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phát biểu tại Hội nghị Y tế toàn cầu ở Geneva, tháng 5/2024.
Ông cảnh báo nếu không có những biện pháp mạnh tay, bạo lực sẽ khiến nhân viên y tế bỏ nghề, dẫn đến thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng ở những nơi vốn đã mong manh.
Nguyên nhân
Bạo lực nhằm vào bác sĩ ở nhiều nước không chỉ là hệ quả của một ca điều trị thất bại. Các chuyên gia cho rằng nó phản ánh sự rạn nứt niềm tin sâu sắc giữa công chúng và hệ thống y tế.
Nhiều vụ việc, bệnh nhân có kỳ vọng phi thực tế, rằng bác sĩ có thể chữa bách bệnh, kể cả ung thư giai đoạn cuối. Kỳ vọng ấy biến thành sự phẫn nộ khi quá trình điều trị không thành công. Năm ngoái, một bác sĩ tại Ấn Độ bị con trai của bệnh nhân đâm 7 nhát dao vì "không đồng tình với cách điều trị". Nữ bệnh nhân này sau đó vẫn tuyên bố: "Nếu bác sĩ làm tròn nhiệm vụ, tôi đã không trở nặng đến vậy".
Sự bất mãn bị truyền thông và văn hóa đại chúng khuyếch đại. Theo bác sĩ Mukul Kapoor, Trưởng khoa Gây mê và Chăm sóc tích cực tại Bệnh viện Amrita, "phim ảnh từng mô tả bác sĩ là những vị thần". Nhưng nay, họ hiện lên như "kẻ độc ác, chỉ nghĩ đến tiền bạc". Tại Ấn Độ, các bộ phim truyền hình có tình tiết phi thực tế về bác sĩ, khiến công chúng kỳ vọng dịch vụ y tế "rẻ như 5 rupee nhưng vẫn đạt chất lượng cao".
Nguyên nhân sâu xa hơn nằm ở sự thiếu hiểu biết về y học và hệ thống chăm sóc sức khỏe.
"Y học là một bộ môn khoa học có thể sai sót", Kapoor nhấn mạnh. Tuy nhiên, công chúng không được trang bị kiến thức để phân biệt sai sót y khoa với hệ quả tất yếu của một ca bệnh khó. Các bác sĩ cho rằng sự bất đối xứng thông tin giữa người hành nghề và bệnh nhân, cùng cách đưa tin phiến diện, đang tạo ra vòng luẩn quẩn nguy hiểm của hiểu lầm và bạo lực.
Các nước phản ứng thế nào?
Trước thực trạng này, nhiều chính phủ buộc phải vào cuộc. Giới chức Ấn Độ thông qua Đạo luật Bảo vệ Nhân viên Y tế, quy định mức án phạt nghiêm khắc đối với hành vi tấn công bác sĩ. Luật cũng yêu cầu các bang thiết lập cơ chế phản ứng nhanh, nhằm can thiệp kịp thời các tình huống bạo lực tại bệnh viện. Trung Quốc tăng cường hình phạt hình sự với hành vi gây rối tại cơ sở y tế, đồng thời bố trí lực lượng cảnh sát tại các khoa dễ xảy ra xung đột như cấp cứu và phòng khám.
Malaysia triển khai hệ thống camera giám sát, kiểm soát lối ra vào, nút báo động khẩn cấp và đội ngũ bảo vệ trực 24/7 tại các bệnh viện lớn. Sri Lanka tích hợp nội dung phòng chống bạo lực vào đào tạo y khoa, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn định kỳ về an toàn nghề nghiệp và hỗ trợ tâm lý cho nhân viên y tế.
Tại Hội nghị WHO khu vực Tây Thái Bình Dương diễn ra tháng 9/2024, tiến sĩ Maria Neira, Giám đốc Ban Môi trường, Biến đổi khí hậu và Sức khỏe WHO, cho rằng hệ thống y tế không thể hoạt động hiệu quả nếu đội ngũ nhân viên thường xuyên phải làm việc trong lo sợ và không được bảo vệ đúng mức. Bà nhận định đầu tư vào môi trường làm việc an toàn là yêu cầu đạo đức, điều kiện thiết yếu để giữ chân và thu hút nhân lực trong bối cảnh thế giới đối mặt với dịch bệnh kéo dài và tốc độ già hóa nhanh chóng.
Thục Linh (Theo PubMed Central, Frontiers, Journal of Health Research, Think Global Health)