Nhảy đến nội dung
 

Báo động cạn kiệt nguồn máu dự trữ: Hãy chung tay hiến máu cứu người

Các địa phương từ TP.HCM, Cần Thơ đến Hà Nội, Hải Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An... đang báo động cạn kiệt nguồn máu dự trữ cứu người. Đây là vấn đề cấp bách, nhiều bệnh viện và trung tâm hiến máu cả nước đang kêu gọi người dân tham gia hiến máu nhân đạo.

Tại Trung tâm Máu quốc gia (Viện Huyết học - Truyền máu trung ương), trung tâm dự trữ máu lớn nhất phía Bắc, hiện nay đang cần khoảng 30.000 đơn vị máu, trong đó riêng nhóm máu O là 15.000 đơn vị máu. Các tháng tới (tháng 7 và tháng 8), trung tâm cần 90.000 đơn vị máu để cung cấp cho 180 bệnh viện khu vực phía Bắc.

Nhu cầu vượt quá khả năng cung cấp

Gần một tháng qua, Trung tâm Huyết học - Truyền máu Nghệ An đã báo động thiếu máu trầm trọng, trong khi nhu cầu máu điều trị vẫn ở mức cao (300 đơn vị/ngày). Tình trạng này đang gây khó khăn cho bệnh viện và khiến nhiều bệnh nhân, nhất là người mắc bệnh lý huyết học như thalassemia, phải chờ đợi lâu. Thay vì được truyền ngay như trước, nhiều bệnh nhân phải chờ đợi, có người phải đợi 2-3 ngày, thậm chí đến 4-5 ngày mới được truyền máu.

Theo Trung tâm Huyết học - Truyền máu Nghệ An, nguyên nhân của việc cạn kiệt nguồn máu là do cuối tháng 5 đến nay các địa phương trong tỉnh không tổ chức được đợt hiến máu nào. "Nếu trước đây các đơn vị tổ chức khoảng 5-6 đợt thì từ tháng 5 đến nay không tổ chức được. Điều này dẫn đến nhiều ca điều trị bị chậm, hoãn nếu không huy động được người nhà hiến máu để đổi bù" - đại diện đơn vị nói.

Khảo sát của Tuổi Trẻ cho thấy tình trạng máu bắt đầu khan hiếm kể từ đầu tháng 6 đến nay, ở phạm vi nhiều tỉnh thành. Nhiều trung tâm huyết học, bệnh viện ở TP.HCM, Hà Nội, Nghệ An, Cần Thơ... đều phát thông báo kêu gọi người dân, các cơ quan, đoàn thể, doanh nghiệp cùng chung tay hiến máu tình nguyện.

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết lượng máu dự trữ tại trung tâm truyền máu của bệnh viện giảm nhẹ so với cùng kỳ. Hiện bệnh viện vẫn đảm bảo đủ máu phục vụ cấp cứu và điều trị cho người bệnh tại bệnh viện và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Về nguyên nhân nguồn cung máu dự trữ tại bệnh viện giảm nhẹ, theo bác sĩ Việt, là do việc tái cơ cấu tổ chức, các hoạt động hiến máu của các hội chữ thập đỏ ở các địa phương tạm thời hoãn. "Bệnh viện đã chủ động lên phương án dự trù tình huống này để luôn đảm bảo có máu phục vụ điều trị và những tình huống khẩn cấp", bác sĩ Việt nói.

Có nhiệm vụ cung cấp máu tất cả các bệnh viện công lập và ngoài công lập tại TP.HCM và một số tỉnh miền Tây và Nam Bộ, nhưng lượng máu tiếp nhận những ngày đầu tháng 7 tại ngân hàng máu Bệnh viện Truyền máu - Huyết học (TP.HCM) sụt giảm. 

Đại diện bệnh viện cho biết trung bình mỗi ngày ngân hàng máu của bệnh viện cung cấp từ 700 đến 800 đơn vị máu cho các bệnh viện. Mặc dù có chỉ tiêu và lượng máu cung cấp nhất định, nhưng có những ngày vẫn xảy ra tình trạng thiếu máu.

"Nhu cầu thực tế đôi khi vượt quá khả năng cung cấp, dẫn đến tình trạng thiếu máu. Để giải quyết tình trạng này và ổn định nguồn cung cấp máu, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các ban ngành đến các phường xã khẩn trương thành lập ban chỉ đạo vận động hiến máu. Mục tiêu là tiếp tục thực hiện các hoạt động gom máu ở cấp phường xã để đảm bảo ổn định hơn nguồn cung", đại diện bệnh viện chia sẻ.

Tại Trung tâm Hiến máu nhân đạo TP.HCM, ông Trần Trường Sơn - chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.HCM - cũng cho hay nguồn máu dự trữ đang thiếu. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này do hệ thống tổ chức đang có sự thay đổi và sáp nhập, thiếu các đầu mối của các hội chữ thập đỏ tại cơ sở, dẫn đến số lượng đăng ký hiến máu ban đầu bị hủy. 

"Cần phải hết tháng 7 mới ổn định tình hình thiếu máu, khi đó các ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện TP, phường xã và Hội Chữ thập đỏ TP.HCM (mới), các hội chữ thập đỏ phường, xã, đặc khu được thành lập. Lúc này, công tác vận động sẽ được tăng cường và tốt hơn", ông Sơn nhận định.

"Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại"

Mắc bệnh tan máu bẩm sinh suốt 16 năm nay, chị Dương Bích Ngọc cùng con trai (quê Vĩnh Phúc) hằng tháng đều phải đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương (Hà Nội) truyền máu. Chị Ngọc bảo rằng mình và con được cứu sống là nhờ những người hiến máu tình nguyện, với hơn 800 đơn vị máu được truyền từ năm 2008 đến nay.

Bốn năm qua, liên tục phải đưa con đi truyền máu vì căn bệnh máu trắng, cũng là ngần ấy năm hơn ai hết chị Ban (trú ở TP Hải Phòng) hiểu được ý nghĩa của những giọt máu hiến. Có lẽ cũng vì vậy mỗi lần đưa con đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, chị lại dành thời gian để hiến máu khi đủ điều kiện. 

Chị chia sẻ mỗi lần lên viện chị thấy nhiều trẻ bệnh cần đến lượng máu rất lớn để truyền mới có thể duy trì sự sống. "Và mỗi lần đưa con đi thăm khám tôi đều hiến máu. Mong rằng với giọt máu hiến của mình có thể giúp được phần nhỏ bé, thêm nguồn máu để bệnh nhân có thể tiếp tục điều trị", chị Ban nói.

Có mặt từ sáng sớm 11-7 tại điểm hiến máu số 18 Quán Sứ (Hoàn Kiếm, Hà Nội), chị Cù Thu Hương (45 tuổi) cùng con gái nhanh chóng điền mẫu phiếu chuẩn bị tham gia hiến máu. Chị Hương chia sẻ đây là lần hiến máu thứ 6 của chị. 

"Tôi xin nghỉ làm nửa buổi sáng để hiến máu. Một chút thời gian, một chút máu của mình đã có thể cứu sống người bệnh khác, vậy thì sao không cố gắng", chị Hương cười nói.

Còn anh Nguyễn Hoàng Long, điều dưỡng khoa cấp cứu một bệnh viện ở Hà Nội, cùng các đồng nghiệp cũng có mặt tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương từ sớm để tham gia hiến máu. Do đặc thù làm việc tại khoa cấp cứu, anh Long đã gặp nhiều trường hợp người bệnh phải truyền máu gấp. 

"Tôi nhớ một lần có một ca cấp cứu do tai nạn, người bệnh mất máu nhiều và có chỉ định truyền máu. Lúc đó, một số anh em trong ca trực có cùng nhóm máu xung phong hiến máu truyền cho người bệnh. Là nhân viên y tế, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân phải cống hiến hết mình vì mục tiêu bảo vệ sức khỏe người bệnh", anh Long chia sẻ.

Và hòa chung tinh thần "một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", trước đó tại ngày hội hiến máu tình nguyện do Đoàn thanh niên Bộ Tài chính phối hợp cùng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương tổ chức, hơn 500 cán bộ, nhân viên, thanh niên Bộ Tài chính cùng Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng đã tham gia hiến máu tình nguyện. 

"Đã có rất nhiều người bệnh được cứu sống, duy trì sự sống từ những giọt máu vàng. Với nhiều nhóm bệnh nhân, điều họ lo sợ lớn nhất là thiếu máu điều trị, vì nếu không có máu sẽ mất đi cơ hội được điều trị kịp thời" - một bác sĩ chia sẻ.

Các bệnh viện sẽ thành điểm tiếp nhận máu tình nguyện

Cách đây ít ngày, trong cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan - trưởng ban chỉ đạo - nhấn mạnh cần chung tay thực hiện hiến máu tình nguyện để bảo đảm máu cho điều trị và cấp cứu.

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo, 6 tháng đầu năm toàn quốc vận động và tiếp nhận gần 894.000 đơn vị máu. Có 23/65 tỉnh thành và đơn vị đạt trên 50% kế hoạch năm. Các cấp đã tổ chức 3.510 buổi tuyên truyền vận động về hiến máu tình nguyện với hơn 450.000 sản phẩm truyền thông và 1.080.729 lượt người được tuyên truyền.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, bên cạnh những thuận lợi, công tác vận động hiến máu vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh sắp xếp lại bộ máy hành chính và tổ chức chính quyền địa phương, việc thay đổi mô hình quản lý, sáp nhập đơn vị hành chính ảnh hưởng không nhỏ tới tổ chức, nhân sự và phương thức triển khai hoạt động hiến máu.

Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị ban chỉ đạo các cấp cần khẩn trương kiện toàn tổ chức ban chỉ đạo hiến máu tình nguyện từ trung ương tới cấp xã, bảo đảm nhân sự đủ năng lực, rõ ràng vai trò và trách nhiệm. Các địa phương đã thay đổi địa giới hành chính cần rà soát, bổ sung nhân sự và thiết lập cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế, Hội Chữ thập đỏ và chính quyền địa phương.

Đồng thời triển khai các quy trình tiếp nhận, thu gom, vận chuyển, điều tiết thay đổi thế nào cho phù hợp với thực tiễn thay đổi về địa giới hành chính làm sao để tránh được độ trễ quá lâu. Ngoài ra bộ cũng giao các đơn vị chuyên môn hướng dẫn, phát động tất cả các bệnh viện sẽ trở thành điểm tiếp nhận hiến máu tình nguyện (cả bệnh viện công và bệnh viện tư).

Còn tại TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP Trần Thị Diệu Thúy cũng đã ký văn bản yêu cầu UBND phường, xã, đặc khu tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức tiếp nhận hiến máu tình nguyện năm 2025, song song đó thành lập ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện.

 
 
 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn