Báo chí phát huy vai trò phản ánh tâm tư, nguyện vọng của người dân

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM kỳ vọng báo chí tiếp tục phát huy vai trò là diễn đàn phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân, nhất là những vấn đề bức xúc kéo dài chưa được giải quyết.
Ông Phước nhấn mạnh, báo chí TP.HCM không chỉ phản ánh, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc phản biện, góp ý xây dựng chủ trương, chính sách.
“Một số đại biểu từng chia sẻ với tôi rằng nhiều nội dung được đăng tải trên các báo Pháp luật TP.HCM, Thanh Niên, Tuổi Trẻ… đã được tiếp thu và mang ra thảo luận tại nghị trường", Tổng biên tập Báo Pháp luật TP.HCM nói và bày tỏ thời gian tới, mong các đại biểu sẽ tiếp tục đồng hành, tham gia cùng báo chí trong các buổi tọa đàm, hội thảo, góp ý chính sách, để những chủ trương, quy định ban hành sát với thực tiễn cuộc sống.
Ông Phước cũng đề xuất Đoàn ĐBQH TP.HCM tăng cường trao đổi định kỳ với báo chí, chủ động chia sẻ thông tin về hoạt động, định hướng công tác để các cơ quan truyền thông kịp thời cập nhật, lan tỏa đến cử tri và người dân TP.HCM.
Tương tự, đại tá Phan Tùng Sơn, Trưởng đại diện Báo Quân đội Nhân dân tại TP.HCM, cho rằng công tác truyền thông về hoạt động của Đoàn ĐBQH cần được nâng lên tầm cao mới, chuyển từ tư duy phản ánh sang tư duy kiến tạo.
Theo ông Sơn, thông tin hiện tại vẫn chủ yếu dừng ở việc tường thuật, phản ánh bề mặt, trong khi xu thế truyền thông hiện đại đòi hỏi sâu sắc hơn, có góc nhìn phản biện và hàm lượng khoa học rõ rệt.
Ông Sơn đề xuất mỗi phát biểu của đại biểu cần được xây dựng như một đề tài có giá trị lan tỏa trên truyền thông. Ngoài ra, ông Sơn kiến nghị thành lập nhóm kết nối trực tiếp, chẳng hạn như nhóm Zalo giữa lãnh đạo Đoàn ĐBQH và các cơ quan báo chí, để đảm bảo việc chia sẻ thông tin nhanh, chính xác.
Ông Sơn cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc lượng hóa các hoạt động của Đoàn, giúp cử tri và báo chí theo dõi tiến độ giải quyết các kiến nghị, đồng thời tạo điều kiện để truyền thông phản ánh trúng và đúng những bức xúc từ cơ sở.
Phó tổng biên tập Báo Phụ Nữ TP.HCM, bà Phạm Thị Vân Anh đánh giá cao mối quan hệ phối hợp giữa báo chí và Đoàn ĐBQH. Đồng thời nhấn mạnh đây không đơn thuần là mối quan hệ cung cấp - nhận thông tin, mà là quan hệ cộng sinh, cùng đồng hành để nâng cao hiệu quả giám sát, phản biện xã hội và góp phần hoạch định chính sách từ thực tiễn.
Bà Vân Anh cho rằng báo chí cần được tạo điều kiện tiếp cận thông tin kịp thời, đặc biệt với những vấn đề nhạy cảm, những nội dung cần góp ý thẳng thắn, mang tính xây dựng.
Bên cạnh việc tổ chức họp báo định kỳ, bà đề xuất mở rộng hình thức tiếp xúc chuyên đề, tọa đàm, hội thảo với từng nhóm đối tượng như phụ nữ, doanh nhân, nhà khoa học để thu nhận tiếng nói đa chiều từ xã hội.
“Việc thiết lập đầu mối thông tin rõ ràng, tạo cơ chế linh hoạt cho báo chí tiếp cận sẽ giúp nâng cao chất lượng nội dung, bảo vệ uy tín của đại biểu và cơ quan báo chí trong bối cảnh truyền thông hiện đại đòi hỏi sự chính xác, khách quan và kịp thời”, bà Vân Anh nói.
Báo chí tích cực phản biện, đóng góp ý kiến
Phát biểu kết luận hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi, Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý từ lãnh đạo các cơ quan báo chí truyền thông nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đoàn trong thời gian tới.