'Bánh kẹo lượng đường còn cao hơn, sao chỉ đánh thuế nước giải khát?'

Việc đưa nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn là vấn đề còn ý kiến khác nhau khi Quốc hội thảo luận về dự án luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, sáng 9.6.
Báo cáo tiếp thu, giải trình dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, việc đưa nước giải khát có đường vào diện thuế tiêu thụ đặc biệt là bước đi đầu tiên nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường là thực phẩm, đồ uống.
Đây là một trong các nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin giữ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm nước giải khát có đường.
Cơ quan soạn thảo cũng điều chỉnh dự luật để việc áp thuế với nước giải khát có đường theo lộ trình. Cụ thể là thực hiện áp thuế với mặt hàng này từ năm 2027 với mức thuế 8%, từ năm 2028 áp dụng mức thuế 10%.
Nhiều đại biểu cho rằng việc áp thuế với nước giải khát có đường là chưa phù hợp và đề xuất có lộ trình đánh thuế với mức thấp hơn, hoặc chưa đánh thuế với mặt hàng nước giải khát có đường.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ Trần Văn Khải (đoàn Hà Nam) cho rằng, việc áp mức thuế 10% với nước có đường hàm lượng trên 5 g/100 ml là chưa hợp lý vì phạm vi chưa rõ ràng và có thể gây tác động ngoài mong muốn.
Ông Khải đề xuất loại trừ các sản phẩm dinh dưỡng bổ sung định nghĩa cụ thể loại đồ uống có đường bị đánh thuế thuế tiêu thụ đặc biệt, loại trừ các sản phẩm dinh dưỡng hoặc có nguồn gốc tự nhiên (nước ép 100% trái cây, sữa, nước dừa nguyên chất…) nhằm tránh đánh thuế nhầm lên ngành nông nghiệp.
Cùng đó, ông Khải cũng đề nghị lùi thời điểm áp thuế đến năm 2027 với mức khởi điểm thấp, khoảng 5 - 8% rồi tăng lên 10% sau, giúp doanh nghiệp có thời gian thích ứng và cải tiến công thức giảm đường. Nhiều đại biểu cũng đề nghị áp dụng lộ trình với mức thuế thấp hơn, có thể từ 3% sau đó lên 5%, đồng thời tính toán áp các mức thuế khác nhau theo lượng đường trong sản phẩm.
Trong khi đó, đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, việc đánh thuế với mặt hàng nước giải khát có thể dẫn tới tăng thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, khiến doanh nghiệp khó cạnh tranh với các mặt hàng nước ngoài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, doanh thu.
Từ đó, có thể ảnh hưởng tới việc làm của người lao động cũng như người nông dân vì nhiều sản phẩm nước giải khát có đường sử dụng các sản phẩm nông nghiệp.
Chưa đồng tình lý do về dinh dưỡng để đánh thuế nước giải khát có đường, vì cho rằng gây thừa cân, béo phì có thể do nhiều nguyên nhân, "thực tế, nhiều sản phẩm có thể có đường cao hơn tại sao không đánh thuế như bánh kẹo và các mặt hàng khác", ông Hải đề nghị chưa nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường.
Tương tự, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói không đồng tình khi cơ quan y tế nói nước giải khát có đường gây béo phì. "Như béo phì của trẻ hiện nay do nhiều sản phẩm khác chứ không chỉ có nước giải khát. Bánh kẹo, các sản phẩm khác cũng ngọt, thậm chí ngọt hơn nước ngọt nữa", ông Hòa nói.
Áp thuế với nước giải khát có đường từ năm 2027 là quá chậm
Ngược lại, ĐB Lê Hoàng Anh (đoàn Gia Lai) không đồng tình phương án áp thuế 8% vào năm 2027 và tăng lên 10% từ năm 2028 vì cho rằng như vậy là quá chậm. Ông đề xuất phải thực hiện áp thuế với mặt hàng này ngay để đảm bảo sức khỏe của người dân.
ĐB Gia Lai cho rằng, lập luận "áp thuế 10% sẽ ảnh hưởng tăng trưởng" chỉ đúng trong điều kiện lý tưởng khi Việt Nam không phải đối mặt với "đại dịch" thầm lặng đang tàn phá từng gia đình là các bệnh không lây nhiễm.
Ông dẫn chứng hơn 21 triệu người Việt trưởng thành mắc bệnh tim mạch, tương đương 1/4 dân số. Trong đó, 200.000 người chết mỗi năm vì bệnh này, tương đương toàn bộ dân số Q.Ba Đình (Hà Nội).
Hơn 5 triệu người Việt sống chung với tiểu đường, 40% trẻ em thành thị thừa cân, béo phì. Đồ uống có đường không có giá trị dinh dưỡng đáng kể lại được tiêu thụ ngày càng nhiều, gia tăng ung thư.
"Trong khi đó, tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam đã tăng phi mã, từ 1,59 tỉ lít năm 2009 lên 6,67 tỉ lít năm 2023, tăng 420%. Trung bình mỗi người Việt tiêu thụ hơn 70 lít nước ngọt/năm, gấp đôi mức kiến nghị để đảm bảo sức khỏe. Giá trị nhập khẩu đồ uống này tiếp tục tăng hàng năm", đại biểu Hoàng Anh nêu.
Do đó, việc áp thuế với nước giải khát có đường không chỉ là chính sách thuế mà là còn lựa chọn chiến lược của các quốc gia có trách nhiệm. Nhiều nước đã áp loại thuế này từ năm 2017.
"Nếu hôm nay không hành động, ngày mai chúng ta sẽ phải trả giá bằng ngân sách chi cho chăm sóc sức khỏe. Doanh nghiệp có quyền vận động vì lợi ích của họ, nhưng Quốc hội đại diện cho nhân dân có trách nhiệm bảo vệ sức khỏe cộng đồng và định hướng sản xuất có trách nhiệm", đại biểu Lê Hoàng Anh nhấn mạnh.