Bảng chi tiêu “khó chê” của cặp vợ chồng ở TP.HCM

Chi tiêu thế này thì không biết chê vào đâu được!
Nếu vẫn còn chưa hình dung được thế nào mới gọi là “chi tiêu vun vén”, chỉ cần nhìn vào danh sách các khoản chi hàng tháng của gia đình này, chúng ta sẽ hiểu ngay thôi! Tất cả đều vừa vặn đến mức không ai tìm ra được “khe hở” để cắt giảm. Thậm chí có người còn khuyên vợ chồng cô nên tiêu thêm tiền đi!
Mỗi tháng chỉ chi tiêu 16 triệu đồng
Theo như cô vợ chia sẻ, hiện tại gia đình cô đang sống ở TP.HCM, may mắn được bố mẹ tặng cho 1 căn chung cư “nho nhỏ” nên không mất tiền thuê nhà. Với mức thu nhập trung bình 45 triệu/tháng, cô phân bổ chi tiêu, tiết kiệm như sau.
“Tính trung bình thì thu nhập của bọn em khoảng 45 triệu/tháng, nhưng không phải tháng nào cũng ổn định như vậy nên cố định dành ra tối thiểu 17 triệu để gửi tiết kiệm, đóng bảo hiểm với đầu tư. Ngoài ra, khi có thêm thu nhập ở ngoài hay thưởng thì chúng em dành 1 phần nhỏ tự thưởng cho bản thân, còn lại phần lớn vẫn là để tiết kiệm.
Bây giờ em thấy tình hình công việc khó khăn chung, sắp tới bọn em còn dự định có em bé thứ 2 nữa nên đang cố gắng tiết kiệm nhiều nhất có thể. Nhưng em cũng đang không biết cắt giảm chỗ nào nữa, mong mọi người cho em lời khuyên” - Cô vợ viết.
Nhìn vào các khoản chi tiêu hàng tháng, nhiều người dành lời khen cho cô vợ vì chi tiêu ở mức vừa đẹp, không quá nhiều cũng chẳng quá ít đến mức phải sống khắc khổ. Thế nên tất cả đều đồng tình rằng thay vì tìm cách hạn chế chi tiêu, cố gắng tăng thu nhập là nước đi phù hợp hơn.
“Ở TP.HCM mà chi tiêu thế này là tiết kiệm rồi mom. Không nên giảm gì nữa, duy trì được thế là ổn, kết hợp làm thêm kiếm thêm thu nhập là đẹp” - Một người khuyên.
“Đúng là đỡ được khoản tiền thuê nhà là tiết kiệm hơn bao nhiêu. Nếu cố giảm chắc cũng chỉ giảm được khoản hưởng thụ thôi, mà thực ra cũng không đáng bao nhiêu. Cắt đi sợ cuộc sống bí bách, vợ chồng khó hòa thuận ấy” - Một người chia sẻ.
“Chi tiêu khéo quá, còn biết phân bổ đầu tư, tiết kiệm nữa thì lâu dài nên tìm cách tăng thu nhập, hoặc tạo ra nguồn thu nhập thụ động mom ạ. Hơi thắc mắc là tại sao mom không mua vàng vì nếu để tích sản thì vàng mình vẫn thấy là 1 kênh ổn đó chứ” - Một người bày tỏ.
Thu nhập thụ động là gì và đâu là thời điểm hợp lý để "bắt tay" vào làm?
Khái niệm “thu nhập thụ động” đang dần trở thành mục tiêu tiếp theo cho những ai đã bắt đầu tiết kiệm được đều đặn mỗi tháng.
Hiểu đơn giản, thu nhập thụ động là khoản tiền bạn kiếm được mà không cần phải đánh đổi thời gian hoặc sức lao động mỗi ngày. Nó có thể đến từ việc cho thuê tài sản, đầu tư sinh lời, góp vốn làm ăn hoặc bán sản phẩm số. Tức là, thay vì phải thức dậy mỗi sáng để đi làm mới có tiền, bạn vẫn có thể có dòng tiền đổ về đều đặn ngay cả khi đang đi chơi, đang ngủ.
Nhưng làm sao để biết bản thân đã đủ ổn định, đủ “vững vàng” để bắt đầu tính chuyện xây dựng nguồn thu nhập thụ đông? Câu trả lời gói gọn trong 2 điều dưới đây.
1 - Có quỹ tiết kiệm dài hạn và quỹ dự phòng
Trước khi nghĩ đến chuyện xây dựng thu nhập thụ động, điều đầu tiên bạn cần có là một nền tài chính đủ vững, chí ít cũng nên có quỹ dự phòng và một khoản tiết kiệm dài hạn cho các mục tiêu tương lai.
Vì bản chất của việc tạo ra thu nhập thụ động là đầu tư, phải bỏ tiền và công sức ra trước rồi thu nhập mới “tự về”. Rủi ro không thành công là có. Vậy nên phải nhớ một nguyên tắc quan trọng: Chỉ nên đầu tư để tạo nguồn thu nhập thụ động bằng tiền nhàn rỗi thực sự, tức là tiền không dùng đến trong ít nhất 6 tháng tới, và không ảnh hưởng đến mức sống nếu có biến cố bất ngờ xảy ra.
2 - Có khả năng quản lý dòng tiền
Khả năng quản lý tiền bạc mới là yếu tố then chốt quyết định bạn có thực sự “giữ được tiền” hay không.
Thực tế cho thấy, nếu không biết cách lập ngân sách, chưa theo dõi được dòng tiền mỗi tháng, thường xuyên quẹt thẻ theo cảm hứng mà không kiểm soát, thì dù có thêm bao nhiêu nguồn thu nữa, tiền tiết kiệm có thể cũng đứng yên, hoặc thậm chí là giảm đi vì rơi vào bẫy lạm phát lối sống.
Thu nhập thụ động không thể bù đắp cho sự thiếu kỷ luật tài chính. Trước khi mơ đến việc “tiền tự chảy vào túi ngay cả khi nằm ngủ”, hãy học kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.
Chỉ khi chi tiêu có kiểm soát, biết phân bổ dòng tiền vào “đúng nơi” để phục vụ mục tiêu của mình, thì nguồn thu nhập thụ động mới thực sự trở thành công cụ nâng cấp chất lượng sống, cũng như chất lượng sức khỏe tài chính. Bởi nếu không thì tiền vào càng mạnh, tiền ra cũng càng mạnh, thế là thành vô nghĩa!