Bằng cấp VN được công nhận, tăng cơ hội du học cho người Việt

Cơ hội du học của người Việt ngày càng tăng khi nhiều nước không còn hạn chế công nhận bằng cấp của VN như trước đây.
TỪ NHỮNG KHÓ KHĂN NGÀY ĐẦU
Thạc sĩ Phạm Hoài Anh, Phó giám đốc Trung tâm sáng tạo và khởi nghiệp sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội, tới giờ vẫn nhớ rõ những ngày chuẩn bị cho hành trình du học ở ĐH Cambridge (Anh), ngôi trường luôn nằm trong tốp 5 ĐH tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng của tổ chức Quacquarelli Symonds lẫn Times Higher Education. "Đó là hành trình rất gian nan", chị Hoài Anh nói.
Một cái khó là ĐH Cambridge khoảng những năm 2010 không công nhận bằng cử nhân VN tương đương bằng cử nhân Anh, mà chỉ xem bằng thạc sĩ VN mới là tương đương, theo chị Hoài Anh. Bởi thế, để ứng tuyển chương trình thạc sĩ giáo dục ở ĐH này, nữ cử nhân Trường ĐH Bách khoa Hà Nội phải gấp rút bảo vệ luận văn và lấy tấm bằng thạc sĩ đầu tiên tại Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Quốc gia Hà Nội).
Khó khăn tương tự diễn ra ở bậc cử nhân, khi các ĐH nước ngoài thậm chí còn lập riêng danh sách số ít những trường THPT VN mà họ chấp nhận bằng cấp. "Đó là thời điểm rất thiệt thời cho người Việt", tiến sĩ Lê Bảo Thắng, Giám đốc Công ty tư vấn giáo dục quốc tế OSI Vietnam, nhận định, đề cập thập niên 1990 - 2000 khi trào lưu du học bắt đầu thành hình và dần bùng nổ.
TUYỂN THẲNG ỨNG VIÊN VN DỰA TRÊN BẰNG TỐT NGHIỆP THPT
Tới nay, sự phân biệt hầu như không còn, theo các chuyên gia. Chẳng hạn, nếu muốn du học Mỹ ở bậc thạc sĩ, trước đây thí sinh phải trải qua các bài thi chuẩn hóa như GRE, GMAT thì nay có thể tự do ứng tuyển. Hay ở bậc cử nhân, các trường ĐH ở Úc, New Zealand, Hàn Quốc, Trung Quốc... đã chấp nhận tuyển thẳng ứng viên VN dựa trên bằng tốt nghiệp THPT.
Thuận lợi trong quá trình ứng tuyển vào những chương trình ngắn hạn, chính quy tại nhiều ĐH nước ngoài xuất phát từ 5 yếu tố chính, theo tiến sĩ Trần Thị Lý, giáo sư Khoa Giáo dục, ĐH Deakin (Úc). Đầu tiên, đó là tiềm năng của VN trong việc cung cấp nguồn sinh viên quốc tế (SVQT) cho các trường ĐH, trong bối cảnh quan hệ một số nước đang đối diện với nhiều xung đột.
Thứ hai là nhu cầu đa dạng hóa nguồn SVQT ở các nước như Úc, Mỹ, Anh, Canada dẫn đến các ĐH ở những nước này nỗ lực mở rộng thị trường nguồn sang VN.
Thứ ba là sự gia tăng quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa VN với một số nước có nền giáo dục phát triển, chẳng hạn như VN nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ, Úc... hay trong năm 2025 là New Zealand, Singapore, đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để VN tăng cường hợp tác giáo dục, hỗ trợ dịch chuyển sinh viên.
Bên cạnh đó, việc các trường VN đạt được chứng nhận quốc tế cho một số chương trình đào tạo bậc ĐH cũng tạo điều kiện cho việc dịch chuyển sinh viên bậc này ở các chương trình ngắn hạn, liên kết hay chuyển tiếp. "Vị thế của bằng tốt nghiệp THPT VN cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng", chuyên gia nghiên cứu về giáo dục quốc tế Trần Thị Lý nhận định.
THÊM NHIỀU CƠ HỘI DU HỌC
Một trong những yếu tố khác cho thấy thế giới ngày càng mở rộng cửa đón người Việt du học là sự gia tăng các chương trình liên kết đào tạo giữa ĐH VN và nước ngoài. Cụ thể, theo thống kê từ Bộ GD-ĐT, tính tới tháng 6.2024, tổng cộng 62 cơ sở giáo dục ĐH VN triển khai 369 chương trình liên kết đào tạo với ĐH nước ngoài, trong đó có 285 chương trình cử nhân, 74 chương trình thạc sĩ và 10 chương trình tiến sĩ.
Xếp theo quốc gia và vùng lãnh thổ, Anh dẫn đầu với 120 chương trình liên kết đào tạo, tiếp đến là Úc (40), Mỹ (34), Đức (28), Pháp (26), Hàn Quốc (21), Đài Loan (14) và 86 chương trình còn lại là của các quốc gia khác. Trong khi đó, phân theo lĩnh vực thì nhóm ngành kinh doanh, tài chính, kế toán, quản trị và quản lý chiếm 50%; 50% còn lại là của khối khoa học và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, cùng các ngành khác.
Về các chương trình ngắn hạn, hoạt động trao đổi sinh viên cũng diễn ra sôi động. Riêng ĐH Quốc gia Hà Nội thời gian qua tạo điều kiện cho sinh viên đi trao đổi tại các trường của Pháp, Nhật Bản, Singapore... hay mới đây nhất là ĐH Thanh Hoa, ngôi trường đứng số 1 ở Trung Quốc. Ngoài ra, người học còn có cơ hội du học qua các chương trình trại xuân, trại hè do trường ĐH nước ngoài tổ chức.
Ông Leighton Ernsberger, Giám đốc Chương trình giáo dục và tiếng Anh khu vực Đông Á thuộc Hội đồng Anh, nhận định VN đang tập trung đảm bảo chất lượng giáo dục trên toàn hệ thống. Điều này giúp VN có thể trở thành trung tâm giáo dục trong khu vực cũng như Malaysia, Singapore, nhất là khi làn sóng giáo dục xuyên quốc gia (TNE) thứ 3 đang diễn ra.
Một trong những dự án đáng chú ý của Hội đồng Anh, theo ông Ernsberger, là triển khai dự án "Liên minh châu Âu hỗ trợ giáo dục ĐH tại khu vực ASEAN" (EU SHARE), với mục tiêu xây dựng không gian giáo dục ĐH chung giữa các quốc gia Đông Nam Á, giúp tăng cường hoạt động trao đổi sinh viên của các nước, trong đó có VN. Ngoài ra, cơ quan này cũng tập trung phân tích thị trường VN để các ĐH Anh có thể hợp tác hiệu quả hơn.
"VN là một trong những nước được chúng tôi ưu tiên hàng đầu trong xây dựng các mối quan hệ hợp tác giáo dục, đặc biệt ở góc độ trao đổi sinh viên và hành trình học tập. Và trong những năm gần đây, số sinh viên VN tham gia các chương trình TNE cũng đã gia tăng đáng kể", ông giám đốc chia sẻ, cho biết thêm VN cũng đang có xu hướng thu hút SVQT bên cạnh các điểm đến gần kề như Hồng Kông, Malaysia.
TĂNG MẠNH SỐ LƯỢNG học bổng
Một điểm nhấn khác là ngày càng có nhiều học bổng ở đa dạng cấp học cho người Việt. Chỉ xét riêng học bổng từ Chính phủ VN và các nước, năm 2025 ghi nhận hơn ngàn suất du học ở các quốc gia và vùng lãnh thổ nổi bật như Mỹ, Úc, New Zealand, Anh, Canada, Nga, Pháp, Ý, Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore... Những chương trình học bổng chính phủ nêu trên hầu hết đều có giá trị toàn phần.
Trong số này, New Zealand hiện là một trong số ít các quốc gia cung cấp học bổng dành riêng cho học sinh và sinh viên VN, đầy đủ từ bậc phổ thông đến sau ĐH qua 3 chương trình học bổng khác nhau là NZSS, NZUA, và Manaaki. Điều này xuất phát từ New Zealand xem VN là thị trường ưu tiên trong chiến lược xuất khẩu dịch vụ giáo dục, bà Caroline Beresford, Đại sứ New Zealand tại VN, lý giải.
"VN cũng là ưu tiên số 1, ngang với khu vực Thái Bình Dương, trong chính sách đối ngoại, thương mại của chúng tôi và là nơi chúng tôi đang tập trung đầu tư nhiều nguồn lực", bà Beresford chia sẻ. "Giáo dục được xem như một "viên ngọc quý" trong mối quan hệ giữa hai quốc gia", nữ Đại sứ nói thêm.
Một hướng du học khác cũng được nhiều người quan tâm là du học nghề, nhất là ở một quốc gia đang đặc biệt thiếu hụt lao động lành nghề như Đức, Phó tổng lãnh sự Đức tại TP.HCM Christopher Scholl thông tin. "Qua thống kê từ bộ phận thị thực (visa), chúng tôi nhận thấy những năm qua có ngày càng nhiều người Việt muốn tới Đức để học nghề và làm việc", ông Scholl cho hay.
"Có một số ngành nghề đặc biệt cần lao động là điều dưỡng, nhà hàng khách sạn và thủ công. Sau khi làm việc ở Đức, các bạn có thể quay lại VN để phục vụ đất nước và chúng tôi luôn có những chương trình ủng hộ các bạn khởi nghiệp", ông Scholl nói.