Nhảy đến nội dung
 

Bạn trẻ có quyền thử nhiều thứ để xem phù hợp ngành nghề đã chọn không

Đứng trước ngưỡng cửa đại học, việc chọn ngành nghề cho tương lai hay cách học đại học sao cho hiệu quả là vấn đề mà không ít bạn trẻ quan tâm.

Thạc sĩ Bùi Mạnh Hùng (25 tuổi), từng trúng tuyển nhiều trường đại học (ĐH) danh tiếng như: Stanford, Johns Hopkins, UCLA, Berkeley… Mạnh Hùng theo học tại Stanford và được học thẳng lên thạc sĩ từ năm thứ 3 ĐH. Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, Hùng được các công ty hàng đầu như Apple, Tesla mời về làm việc. Tuy nhiên, thạc sĩ trẻ quyết định quay về VN để đóng góp cho sự phát triển của nước nhà. Chàng trai chia sẻ về những kinh nghiệm khi chọn ngành và cách học ĐH hiệu quả.

Chọn ngành học dựa trên những yếu tố nào ?

Sau khi trúng tuyển nhiều trường ĐH danh tiếng, Hùng quyết định theo học ngành khoa học máy tính tại ĐH Stanford. Và sau 7 năm, chàng thạc sĩ trẻ cho biết quyết định lựa chọn ngành học khi ấy là đúng đắn. "Mình có thể xác định được bản thân thích gì từ sớm. Mình nghĩ đó là một lợi thế và điều may mắn", Hùng nói.

Tuy vậy, Hùng vẫn cho rằng việc chọn ngành học là một quyết định rất khó và quan trọng, dựa trên nhiều yếu tố. "Bản thân mình phải thật sự thích; mình có thế mạnh, năng lực phù hợp với ngành học đó và phải biết được ngành mình theo học mang lại lợi ích, giá trị gì cho xã hội. Nếu ngành học mình chọn là sự giao thoa của các yếu tố ấy thì rất tốt", thạc sĩ Hùng cho biết.

Theo thạc sĩ Hùng, việc chọn ngành học rất quan trọng, giống như chọn người bạn đồng hành mà mình muốn đi cùng, chứ không chỉ đơn giản là học để lấy tấm bằng. Việc chọn ngành học có thể sẽ ảnh hưởng đến cả cuộc đời sau này của mỗi người. Thời gian của một người trong ngày, phần nhiều là dành cho công việc, vì thế phải chọn được ngành nghề mà mình thật sự yêu thích và đam mê.

Không chỉ chọn được hướng đi đúng cho bản thân, thạc sĩ Hùng còn từng chinh phục học bổng của nhiều trường ĐH danh tiếng. Thạc sĩ trẻ cho biết để được chọn thì trước tiên phải đảm bảo đủ các điều kiện như: điểm số, ngoại ngữ, bài luận, các hoạt động ngoại khóa, thư giới thiệu từ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn... Trong đó, bài luận có lẽ là yếu tố quan trọng nhất.

"Lúc ứng tuyển học bổng, mình đã chuẩn bị khoảng 80 - 90 bài luận. Nội dung phải thể hiện được mình là ai và phải chứng minh được bản thân phù hợp với ngôi trường ấy. Việc viết bài luận hay chuẩn bị hồ sơ để ứng tuyển học bổng nước ngoài mình thấy rất quan trọng, nó giúp mình nhìn nhận lại bản thân khá kỹ. Mình hiểu được bản thân muốn làm gì, mạnh ở điểm nào và còn thiếu những điểm gì. Cho nên, mình nghĩ dù có ứng tuyển học bổng du học hay không thì cũng nên dành thời gian suy nghĩ về những điều này, bởi nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc mình chọn ngành học gì, đi theo con đường như thế nào", thạc sĩ Hùng chia sẻ.

Nói về cách ôn tập hiệu quả trước kỳ thi quan trọng, anh nói: "Mình nghĩ sẽ có 2 giai đoạn lớn, đầu tiên là tổng quan về kiến thức, phần này có thể đọc lại bài vở đã ghi chép và trong sách giáo khoa. Thứ 2, giai đoạn luyện đề. Với kinh nghiệm của mình, khi làm sai câu nào thì sẽ xem lại thật kỹ và hiểu mình sai ở đâu, sau đó đưa ra lộ trình để khắc phục dần những lỗ hổng. Hơn nữa, hiện nay có rất nhiều ứng dụng, công cụ hỗ trợ luyện thi thông minh, các bạn hoàn toàn có thể tận dụng".

Để học ĐH hiệu quả

"Từ năm nhất mình đã làm nhiều dự án nhỏ, chứng minh được năng lực về phần lập trình. Sang năm 2 mình được nhận vào phòng nghiên cứu của trường. Việc được học thạc sĩ sớm giúp mình có cơ hội học tập, làm việc cùng nhiều tiến sĩ, giáo sư, tìm được hướng đi trong ngành mà bản thân đang theo đuổi", thạc sĩ Hùng cho hay.

Chia sẻ về phương pháp học tập ở ĐH, thạc sĩ Hùng cho biết khi học phổ thông thì có sự hỗ trợ, quan tâm sát sao của thầy cô, bạn bè, nhưng khi lên ĐH, không còn điều đó nữa. Do vậy, dù học trong nước hay đi du học thì việc tự học và chủ động tìm hiểu kiến thức là rất quan trọng.

Hùng chia sẻ: "Ở ĐH mình có nhiều quyền lựa chọn môn học hơn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc không biết sẽ chọn môn gì, hay kiến thức này sẽ áp dụng được vào ngành học như thế nào. Vì vậy, tự học và tìm tòi là điều quan trọng để có thể học ĐH hiệu quả".

Thạc sĩ trẻ cho biết: "Mình có lợi thế hơn các bạn khác là nhờ sự chủ động, biết tìm kiếm nguồn kiến thức ở đâu và dành thời gian để tự học. Bên cạnh đó, nếu có thể các bạn hãy thử truyền đạt lại những kiến thức mà mình đang học cho các bạn khác hoặc các em khóa dưới. Qua đó, mình sẽ càng hiểu sâu hơn, nắm vững hơn và làm chủ được kiến thức".

Mặc dù vừa học, vừa làm dự án và nghiên cứu, nhưng Hùng vẫn dành thời gian tham gia nhiều cuộc thi của trường để học hỏi, nâng cao năng lực, khả năng của bản thân. Bên cạnh đó, chàng trai cũng khuyên các bạn trẻ ngoài việc học nên dành thời gian tham gia rèn luyện thể chất. Bởi vì sức khỏe trí tuệ cũng bị chi phối lớn bởi sức khỏe thể chất.

Với thạc sĩ Hùng, ĐH là một môi trường để rèn luyện bản thân, là bước đệm để chuẩn bị mọi thứ trước khi bước vào đời. "Lúc ấy mình có thể thất bại, có quyền thử nhiều thứ để xem bản thân có thật sự phù hợp với ngành nghề đã chọn không. Đồng thời, hãy nghĩ về tương lai, những giá trị, cơ hội mà mình có được vì nó sẽ thôi thúc mọi người tận dụng khoảng thời gian quý giá thời sinh viên", thạc sĩ Hùng khuyên.