Nhảy đến nội dung

Ban quản trị chung cư làm gì để tránh 'bị phạt gần 120 tỷ đồng vì trốn thuế'

Cuối tuần rồi, như thường lệ, tôi ngồi ở quán cà phê gần ngay cổng ra vào nhà xe của chung cư đang ở. Quán nhỏ, đơn sơ, nhưng là chỗ tụ tập quen thuộc của mấy anh em cư dân trong tòa nhà. Sáng cà phê, chiều bia, tối trà đá, chuyện gì cũng có thể đưa ra "bàn mà bàn".

Hôm ấy, câu chuyện rôm rả không phải chuyện mưa tạt vào hành lang hay thang máy chập chờn, mà là chuyện ban quản trị một chung cư bị phạt gần 120 tỷ đồng vì không thực hiện nghĩa vụ thuế.

Một anh cười nhạt: "Ban quản trị mà cũng bị phạt thuế? Phạt thế lấy gì mà đóng?".

Cả nhóm thoáng im lặng. Rồi ánh mắt các anh lại nhìn về phía tôi, người đang là thành viên Ban quản trị chung cư đang ở hiện tại. Trong đầu tôi lúc ấy cũng chỉ có một suy nghĩ: Nếu cơ quan thuế "ghé thăm", liệu chúng tôi có thể an tâm trả lời rằng mình đã làm đúng?

Khi Ban quản trị không còn chỉ là người đại diện

Vụ việc ở chung cư nọ cho thấy một điều mà rất nhiều ban quản trị (BQT) lâu nay không để ý đến: Khi bạn trực tiếp ký hợp đồng, thu tiền, chi tiền, tổ chức vận hành các dịch vụ trong tòa nhà, thì bạn không chỉ đơn thuần là đại diện cư dân nữa. Bạn đang thực hiện hoạt động cung ứng dịch vụ.

Pháp luật không phân biệt bạn có vì lợi nhuận hay không. Chỉ cần có hoạt động thu tiền từ dịch vụ, bao gồm cả tiền phí quản lý của cư dân, thì bạn đã bước vào phạm vi điều chỉnh của các quy định về thuế.

Không xuất hóa đơn, không kê khai, không nộp thuế, tức là vi phạm.

Không biết không có nghĩa là không chịu trách nhiệm

Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật Thuế giá trị gia tăng; Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ quy định và hướng dẫn thi hành Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, thì:

Về chính sách thuế GTGT, dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo quy định. Ngoài ra, thuế Thu nhập doanh nghiệp cũng được đặt ra trong từng trường hợp cụ thể.

Trường hợp BQT không thực hiện được đầy đủ chế độ sổ sách kế toán thì phải thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp, nộp thuế TNDN theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu theo quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư số 219/2013/TT-BTCkhoản 5 Điều 3 Thông tư số 78/2014/TT-BTC.

Với những tòa nhà lớn, khoản thu hàng tháng từ giữ xe, cho thuê mặt bằng, đặt quảng cáo... không phải là con số nhỏ. Và nếu cộng dồn vài năm, mức truy thu và phạt có thể khiến cả chung cư chao đảo.

Không phải khoản nào cũng bị tính thuế

Một anh trong nhóm, là cán bộ thuế về hưu, nhắc một điều quan trọng: Không phải cứ thu tiền là phải nộp thuế. Nếu Ban quản trị chỉ thu hộ tiền điện, nước từ đơn vị cung cấp (có hóa đơn gốc kèm theo), rồi phân bổ cho từng căn hộ, thì không bị coi là doanh thu chịu thuế.

Nhưng nếu Ban quản trị tự ký hợp đồng, đứng ra tổ chức dịch vụ, tự điều phối thu chi, thì rõ ràng là đang cung cấp dịch vụ. Và khi đó, việc kê khai thuế và xuất hóa đơn là nghĩa vụ bắt buộc.

Cần làm gì để không lặp lại câu chuyện ban quản trị chung cư bị phạt gần 120 tỷ?

Buổi cà phê kết thúc bằng một danh sách không chính thức, do chính các anh em cư dân cùng bàn ra. Trước tiên, ban quản trị cần có mã số thuế riêng. Rồi sau đó phải rà soát toàn bộ các khoản thu chi, phân định rõ đâu là thu hộ, đâu là cung ứng dịch vụ.

Việc sử dụng hóa đơn điện tử cũng không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu pháp lý. Kê khai thuế cần thực hiện đúng thời hạn. Và nếu không có nhân sự làm kế toán nội bộ, thì nên chủ động thuê tư vấn bên ngoài hoặc nhờ cơ quan thuế hỗ trợ.

Một anh chốt lại bằng một câu nhẹ mà thấm: "Tự quản thì càng phải hiểu luật. Không ai làm thay mình đâu".

Không còn chủ đầu tư, càng phải làm đúng

Từ khi chủ đầu tư rút khỏi chung cư, chúng tôi, những cư dân trở thành người duy nhất chịu trách nhiệm với chính nơi mình sống. Ban quản trị không còn là cánh tay nối dài của chủ đầu tư nữa, mà là người cầm lái toàn bộ hệ thống. Điều đó vừa là vinh dự, vừa là gánh nặng.

Tôi tin rằng phần lớn ban quản trị đều làm việc vì cộng đồng. Nhưng trong thời đại mà pháp luật ngày càng rõ ràng và nghiêm minh, thì thiện chí thôi là chưa đủ. Muốn bảo vệ cư dân, trước tiên phải bảo vệ mình khỏi sai sót pháp lý.

Vụ BQT chung cư bị phạt gần 120 tỷ đồng là một cảnh báo. Làm ban quản trị, có thể không nhận thù lao, nhưng không thể không nhận trách nhiệm.

Phạm Quang Phước

(Thành viên Ban quản trị một chung cư tại TP HCM)

Ban quản trị một chung cư tại TP HCM vừa bị xử phạt hành chính tổng cộng 119,8 tỷ đồng do vi phạm trong quản lý hóa đơn.

Theo cơ quan thuế, từ tháng 5/2022 đến tháng 10/2024, ban quản trị đã thu nhiều loại phí (quản lý, giữ xe, nước, gas...) từ 242 căn hộ nhưng không lập hóa đơn theo quy định, với 7.260 hóa đơn chưa phát hành. Hành vi này bị xác định là trái quy định pháp luật về thuế và hóa đơn.

 
logo
CÔNG TY CỔ PHẦN XÂY DỰNG SẢN XUẤT VÀ THƯƠNG MẠI ĐẠI SÀN

GPĐKKD: 0103884103 do sở KH & ĐT TP Hà Nội cấp lần đầu ngày 29/06/2009.

Địa chỉ: Gian số L4-07 tầng 4, nơ-2 - Gold Season,  47 Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội

MIỀN BẮC

Địa chỉ Showroom: D11-47 KĐT Geleximco Lê Trọng Tấn, Hà Đông, Hà Nội

Điện thoại  Điện thoại: 1900 98 98 36

MIỀN NAM

Địa chỉ VPGD: 57/1c, Khu phố 1, Phường An Phú Đông, Quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại  Email: info@daisan.vn