Băn khoăn 'tăng mức phạt giao thông lên 200 triệu đồng để đủ sức răn đe'

Nhiều người bức xúc với những hành vi vi phạm luật giao thông và rõ ràng những hành vi coi thường luật pháp như vậy cần bị xử lý nghiêm khắc. Nhưng liệu giải pháp là nâng mức phạt lên đến 150-200 triệu đồng như đề xuất của một đại biểu có là giải pháp?
Với những hành vi cố tình vi phạm, tái phạm hoặc gây hậu quả nghiêm trọng như đi ngược chiều trên cao tốc. Quả thật, đây là những hành vi có thể gây tai nạn chết người và cần phải xử lý mạnh tay.
Tôi hiểu rõ sự cần thiết của việc đảm bảo an toàn giao thông. Nhưng cũng không khỏi lo lắng: Mức phạt lên tới hàng trăm triệu đồng có vượt quá khả năng chi trả của phần lớn người lao động hay không?
Đặc biệt với những người làm nghề lái xe, những người sống bằng phương tiện đó một mức phạt quá cao có thể đồng nghĩa với mất kế sinh nhai. Lỡ một lần vi phạm, có thể phải bán cả xe để nộp phạt.
Một vấn đề khác là khả năng phân biệt giữa lỗi cố ý và vô ý. Không ai phủ nhận cần xử lý nghiêm những người xem thường pháp luật, nhưng nếu người vi phạm là người lớn tuổi, thiếu hiểu biết, hay chỉ đơn thuần là bất cẩn trong giây lát thì liệu có nên xử lý cùng mức như những người cố tình vi phạm?
Nếu không có sự phân biệt rạch ròi giữa hai nhóm hành vi này, pháp luật có nguy cơ trở nên cứng nhắc và gây thiệt hại không cần thiết cho người dân. Hơn nữa, ai sẽ là đối tượng chính của mức phạt cao này?
Nếu chỉ áp dụng cho ôtô, xe tải, xe kinh doanh dịch vụ, những phương tiện có mức độ gây nguy hiểm cao thì còn có thể chấp nhận được. Nhưng nếu áp dụng đồng loạt cả cho xe máy, phương tiện phổ biến của người lao động thì rõ ràng cần cân nhắc lại.
Việc đề xuất cho phép phạt gấp đôi tại khu vực "nội thành" của các thành phố lớn cũng gây băn khoăn. Một vị đại biểu khác đã lấy ví dụ rằng chỉ cần đứng sai một bên đường, người dân có thể bị phạt nặng hơn gấp đôi cho cùng một lỗi.
Và còn một điểm không thể bỏ qua: tăng phạt liệu có đủ để thay đổi hành vi? Trong khi nhiều tuyến đường còn thiếu biển báo rõ ràng, hệ thống hạ tầng chưa đồng bộ, người dân chưa được phổ biến pháp luật đầy đủ, thì phạt nặng có thể trở thành gánh nặng thay vì giải pháp.
Theo tôi, phạt chỉ là phần ngọn. Phần gốc vẫn là giáo dục, tuyên truyền và cải thiện điều kiện giao thông.Pháp luật cần nghiêm minh, nhưng cũng phải nhân văn và phù hợp với điều kiện thực tế.
Xử lý nghiêm để bảo vệ an toàn là đúng, nhưng không nên tạo ra áp lực quá lớn mỗi khi ra đường. Thiết kế chính sách cần đặt con người vào trung tâm, với cả sự nghiêm khắc và thấu hiểu. Khi đó, luật mới có sức sống và người dân mới thực sự tự nguyện chấp hành.