Băn khoăn bỏ tử hình tội sản xuất thuốc giả, tham ô...

Ngày 27.5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án bộ luật Hình sự sửa đổi. Nhiều đại biểu bày tỏ băn khoăn trước đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh.
"Mất nhân tính không kém gì giết người"
Một trong số tội danh được đề xuất bỏ án tử hình là "sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh". Tuy nhiên, theo đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Sang (đoàn TP.HCM), đây là hành vi "táng tận lương tâm, mất nhân tính không kém gì giết người". Người bệnh uống nhầm phải thuốc giả từ bệnh nhẹ mà thành bệnh nặng, bệnh nặng rồi dẫn đến nguy cơ tử vong. Với những trường hợp gây ra ảnh hưởng quá lớn như vậy thì không nên nhân đạo.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng đặt vấn đề: "Chúng ta thử nghĩ mấy đứa trẻ sơ sinh bị thuốc giả, bị thực phẩm giả và bị một số tai biến, một số căn bệnh suốt cả cuộc đời nó thì sao?".
Đồng quan điểm với 2 ĐB trên, bà Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh tình hình vi phạm về hàng giả, nhất là thuốc giả, đang ngày càng phức tạp. Trước khi thực hiện hành vi, người phạm tội đều biết hậu quả, trách nhiệm pháp lý, nhưng vì lợi ích mà vẫn bất chấp làm. "Nếu nhân văn với tội phạm thì thân nhân của nạn nhân, của những người đã chết vì tội lỗi này sẽ cảm thấy như thế nào?", bà đặt vấn đề.
ĐB Lan còn đề nghị bổ sung hình phạt tử hình với tội sản xuất, buôn bán hàng giả (hiện nay cao nhất là chung thân), nhất là thực phẩm chức năng và sữa giả. Những hành vi này ảnh hưởng đến người yếu thế trong xã hội, tác động rất lớn đến sức khỏe và niềm tin của người dân.
Trước đó, Bộ Công an có báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến tại tổ về nội dung trên. Theo cơ quan soạn thảo, thực tiễn xét xử cho thấy thuốc giả chủ yếu là giả nhãn mác, kém chất lượng, không có tác dụng chữa bệnh..., rất khó xác định có gây chết người hay không để áp dụng hình phạt tử hình; cũng chưa có trường hợp nào bị tuyên án tử hình về tội danh này. Còn nếu sử dụng độc tố để sản xuất thuốc giả nhằm giết người thì sẽ bị xử lý về tội giết người. Vì vậy, có thể xem xét bỏ hình phạt tử hình.
Bỏ tử hình, tội phạm tham nhũng có nộp lại tiền?
Nhiều ĐB đề nghị duy trì hình phạt tử hình với 2 tội tham ô tài sản và nhận hối lộ. ĐB Nguyễn Thanh Sang đặt vấn đề: "Nếu bỏ tử hình thì hiệu quả thu hồi tài sản có cao hơn không, có đánh giá tác động nào đối với những loại tội này không?".
ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng đề cập tới một số vụ án trước khi Viện kiểm sát đề nghị án tử hình thì không thấy động tĩnh gì, chỉ khi biết mức án thì "hôm sau gia đình mang tiền ra để chuộc". Ông cho rằng duy trì nhưng không có nghĩa cứ phải tử hình, bởi người phạm tội nếu ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả tốt thì sẽ được giảm án.
Bộ Công an cho biết, đa số quốc gia trên thế giới không quy định hình phạt tử hình hoặc đang có xu hướng bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô và nhận hối lộ. Nhiều nước đã yêu cầu VN cam kết không áp dụng hoặc thi hành án tử hình đối với những vụ án về tham nhũng, chức vụ, nhưng VN chưa cam kết nên khi yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến án tử hình thì gần như không có phản hồi. Tham ô và nhận hối lộ không phải là "tội ác", không xâm phạm tính mạng con người, không xâm phạm trực tiếp an ninh quốc gia, nên không cần thiết tước bỏ mạng sống.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên bỏ hình phạt tử hình với tội vận chuyển trái phép chất ma túy. ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) ủng hộ bỏ, vì cho rằng nhiều trường hợp phạm tội do bị lợi dụng, thiếu hiểu biết pháp luật hoặc đói nghèo. Ngược lại, ĐB Lê Tất Hiếu (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng không thể vì hoàn cảnh khó khăn, trình độ hạn chế mà bỏ án tử hình, bởi "có những đối tượng buôn bán hàng trăm ký, thu lợi nhuận rất lớn thì không thể nói là khó khăn được".