Bản đồ phát triển '6 phân vùng - 4 hướng' của TP.HCM

TP.HCM sẽ phát triển theo mô hình 6 phân vùng đô thị đa chức năng, tiếp tục định hướng các trục không gian và hành lang phát triển TP.HCM theo 4 hướng.
![]() |
Cấu trúc không gian TP.HCM đến năm 2040 được quy hoạch phát triển theo 6 phân vùng. |
6 không gian phát triển
Đồ án điều chỉnh quy hoạch TP.HCM đến năm 20240 tầm nhìn đến 2060 xác định phạm vi và quy mô bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của TP.HCM với tổng diện tích 2.095 km2. Điểm nhấn cấu trúc không gian TP.HCM được quy hoạch, phát triển theo 6 phân vùng, gồm phân vùng trung tâm và các phân vùng phía Đông, phía Tây, phía Bắc, phía Nam và phía Đông Nam. Cụ thể:
Phân vùng đô thị trung tâm (khu vực nằm phía trong đường Vành đai 2 và nằm phía Bắc kênh Đôi, kênh Tẻ). Quy mô diện tích khoảng 172 km2, dân số đến năm 2040 là khoảng 5,4 - 6,05 triệu người. Đây là trung tâm hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, kinh tế tri thức, đô thị sáng tạo và là trung tâm chính của toàn TP.HCM.
Định hướng phát triển phần vùng này hướng bảo tồn cấu trúc đô thị cũ, bảo tồn di sản kiến trúc, văn hóa của TP.HCM trở thành trung tâm văn hóa, du lịch vùng và quốc gia. Khuyến khích theo hướng nâng cao hệ số sử dụng đất, giảm mật độ, tăng tầng cao xây dựng, kiểm soát mật độ cư trú.
Phân vùng phía Đông (TP.Thủ Đức hiện nay - dự kiến phát triển thành phân vùng đô thị Thủ Đức). Quy mô diện tích khoảng 211 km2, dân số đến 2040 là khoảng 2,2 - 2,64 triệu người. Tính chất là đô thị sáng tạo, giáo dục, đào tạo, công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ tài chính, y tế, du lịch sinh thái.
Trong đó, Trung tâm tài chính quốc tế được định hướng phát triển tại khu vực Thủ Thiêm. Trung tâm chính của phân vùng đô thị Thủ Đức được tổ chức tại khu vực Trường Thọ - Rạch Chiếc và phụ cận, trung tâm hỗ trợ được tổ chức tại khu vực Long Phước - Tam Đa. Định hướng ưu tiên phát triển các khu vực trọng điểm về tài chính, thương mại, dịch vụ, văn hóa, thể dục thể thao, nghiên cứu, đào tạo và sản xuất công nghệ cao...
Phân vùng phía Tây (gồm khu vực phía Bắc phân vùng đô thị trung tâm và một phần khu vực phía Nam - phần nằm phía Tây sông Cần Giuộc của huyện Bình Chánh và phần phía Tây quốc lộ 1A thuộc quận Bình Tân hiện nay - dự kiến phát triển thành phân vùng đô thị Bình Chánh ). Quy mô diện tích khoảng 233 km2, dân số năm 2040 khoảng 1,55-1,86 triệu người.
Đây là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược, giáo dục đào tạo. Định hướng chính, ưu tiên phát triển các khu vực trọng điểm về công nghiệp, logistics và các tổ hợp sản xuất sạch, công nghệ cao; dịch vụ y tế gắn với chăm sóc sức khỏe và đào tạo nghề.
![]() |
Phân vùng đô thị trung tâm gồm khu vực nằm phía trong đường Vành đai 2 và nằm phía Bắc kênh Đôi, kênh Tẻ. |
Phân vùng phía Bắc (gồm huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn và phần phía Bắc quốc lộ 1A thuộc Quận 12 hiện nay - dự kiến phát triển thành phân vùng đô thị Củ Chi - Hóc Môn). Quy mô diện tích khoảng 579 km2, dân số năm 2040 khoảng 2,5-3,15 triệu người.
Đây sẽ là đô thị dịch vụ, giải trí, văn hoá, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe đan xen cảnh quan nông nghiệp. Hình thành các khu công nghiệp, giáo dục, đào tạo, công nghệ, khu hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và du lịch sinh thái, văn hoá, lịch sử...
Định hướng phân vùng phía Bắc cải tạo, nâng cao chất lượng đô thị tại khu vực dọc quốc lộ 22 và khu vực dân cư hiện hữu trong Vành đai 3, khai thác quỹ đất hợp lý để phát triển dải đô thị ven sông Sài Gòn, tạo động lực phát triển mới cho vùng phía Bắc TP.HCM, kết nối thuận lợi về trung tâm qua tuyến đường ven sông Sài Gòn.
Phân vùng phía Nam (gồm khu vực phía Nam Kênh Đôi thuộc quận 8, khu vực phía Đông sông Cần Giuộc thuộc huyện Bình Chánh, quận 7 và huyện Nhà Bè hiện nay - dự kiến phát triển thành phân vùng đô thị quận 7 - Nhà Bè). Quy mô diện tích khoảng 194 km2, dân số năm 2040 khoảng 1,8-2,2 triệu người.
Tính chất phân vùng phía Nam là đô thị công nghệ cao, sinh thái nước, kinh tế tri thức, văn hoá nghệ thuật, triển lãm, hội chợ, giải trí, du lịch sinh thái, công nghiệp, logistics, trung tâm kinh tế biển...
Định hướng phát triển chính, ưu tiên phát triển các khu vực trọng điểm về công nghiệp, cảng; nghiên cứu, đào tạo và các trung tâm sản xuất theo mô hình tiên tiến, công nghệ cao... Đồng thời, bổ sung, hoàn thiện hệ thống giao thông công cộng và mạng lưới đường giao thông chính và khu vực. Đảm bảo kết nối giao thông trong phân vùng và đến các phân vùng phía Bắc và phía Đông.
![]() |
Phân vùng phía Đông Nam gồm toàn bộ huyện Cần Giờ hiện nay - dự kiến phát triển thành phân vùng đô thị Cần Giờ. |
Phân vùng phía Đông Nam (gồm toàn bộ huyện Cần Giờ hiện nay - dự kiến phát triển thành phân vùng đô thị Cần Giờ). Quy mô diện tích khoảng 732 km2, dân số năm 2040 khoảng 0,5 -0,6 triệu người. Tính chất là khu sinh thái, lá phổi xanh của TP.HCM, cửa ngõ phía Nam hướng biển và trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm kinh tế biển với các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thương mại, cảng và logistics.
Định hướng phát triển phân vùng này là bảo vệ, phát huy giá trị khu vực dự trữ sinh quyển Cần Giờ và hệ sinh thái rừng ngập mặn; phát triển không gian theo mô hình đô thị sinh thái, nhấn mạnh yếu tố kênh rạch, đô thị nước và đô thị ven biển, hướng biển…
Phát triển theo 4 hướng
Quy hoạch lần này tiếp tục định hướng các trục không gian và hành lang phát triển TP.HCM theo 4 hướng là hướng Đông, hướng Nam ra biển, hướng Tây - Bắc và hướng Tây, Tây - Nam.
Bên cạnh đó, còn bổ sung phát triển các trục không gian mới, như 4 trục theo hướng Bắc - Nam, trục ven sông Sài Gòn - Huỳnh Tấn Phát, quốc lộ 22 - Trường Chinh - Cách Mạng Tháng Tám - Nguyễn Hữu Thọ, hình thành các hành lang phát triển mới dọc sông Sài Gòn. Đồng thời, tổ chức tuyến đường dọc sông Sài Gòn kết nối các không gian đô thị sinh thái, phát triển tuyến giao thông công cộng sức chở lớn, hình thành hành lang kinh tế ven biển.
Cụ thể, TP.HCM sẽ tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện, phát triển hệ thống giao thông liên vùng tuân thủ quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bao gồm cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP.HCM - Mộc Bài (Tây Ninh), TP.HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng. Đẩy nhanh hoàn thiện đường Vành đai 3 và đầu tư xây dựng đường Vành đai 4. Tiếp tục hoàn thiện việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường bộ quốc lộ như quốc lộ 1, quốc lộ 13, quốc lộ 22, quốc lộ 22C, quốc lộ 50, quốc lộ 50B và đoạn đường ven biển từ cao tốc Bến Lức - Long Thành đến điểm cuối ranh tỉnh Tiền Giang.
Tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện, phát triển các đường dẫn cao tốc như đường dẫn cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Trung Lương, đường dẫn cao tốc TP.HCM - Chơn Thành - Hoa Lư (Bình Phước).
![]() |
TP.HCM sẽ nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM hiện hữu, xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. |
Bổ sung tuyến kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành từ trung tâm TP.HCM qua cầu Phú Mỹ 2. Bổ sung kết nối về phía Đông với Đồng Nai qua cầu Đồng Nai 2 để giảm tải cho quốc lộ 1A và đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây. Bổ sung kết nối TP.Thủ Đức với Nhơn Trạch - Đồng Nai qua cầu Cát Lái phục vụ giao thông liên đô thị và tăng cường kết nối đường bộ từ ga Thủ Thiêm, trung tâm TP.HCM đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Kết nối đường ven biển từ Gò Công (Tiền Giang) qua cửa sông Soài Rạp đến Cần Giờ và kéo dài đến cao tốc Bến Lức - Long Thành (Đồng Nai) thông qua đường vào cảng Phước An để hỗ trợ cho các cụm cảng biển dự kiến tại Cần Giờ và các tuyến đường bộ khác kết nối với các tỉnh Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Tiền Giang.
Nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM hiện hữu, xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, đường sắt Trảng Bom - Hòa Hưng - Tân Kiên. Bổ sung tuyến đường sắt tiềm năng Thủ Thiêm - Tân Kiên, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, đường sắt TP.HCM - Lộc Ninh, đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành, đường sắt TP.HCM - Tây Ninh, đường sắt chuyên dụng kết nối cảng Hiệp Phước.
Đáng chú ý, TP.HCM sẽ phát triển 10 trung tâm logistics tại Cát Lái, Long Bình, Linh Trung, khu công nghệ cao (TP.Thủ Đức), Tân Kiên (Bình Chánh), Hiệp Phước (Nhà Bè), Củ Chi, Hóc Môn và Bình Khánh (Cần Giờ), gắn với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng biển, cảng cạn và các ga đầu mối đường sắt, tuyến đường bộ liên vùng với tổng quy mô khoảng 490-600 ha, trở thành các hạt nhân của các khu vực trọng điểm phát triển trong thành phố.
Sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.