Bàn cơ chế chống bỏ thầu giá thấp bất thường

Bộ trưởng Tài chính cho biết, có những nhà thầu bỏ thầu giá thấp nhưng sau đó không làm được, chậm tiến độ rồi bỏ cả dự án, dẫn tới lãng phí, thậm chí là thất thoát.
Chiều 23.5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Đấu thầu, luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, luật Hải quan, luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, luật Đầu tư, luật Đầu tư công và luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) đề cập tới việc dự thảo bổ sung cơ chế xử lý trong các trường hợp nhà thầu chào giá thấp bất thường, đột biến.
Theo đó, chủ đầu tư sẽ được quyền loại bỏ nhà thầu hoặc yêu cầu giải trình làm rõ tính khả thi, hợp lý của giá thầu. Mục đích nhằm ngăn chặn tính rủi ro về chất lượng và tiến độ xây dựng công trình.
Ông Thông cho rằng, quy định trên là cần thiết, song chưa đủ để giải quyết gốc rễ vấn đề là năng lực thi công kém, chưa kể sẽ tạo ra cơ chế giữ giá cao.
Đáng ngại hơn, dự thảo cho phép loại bỏ nhà thầu có giá chào thấp bất thường nhưng lại không quy định thế nào là "thấp bất thường" mà phải chờ hướng dẫn của Chính phủ. Điều này có thể làm tăng rủi ro, dẫn tới tùy tiện trong đánh giá, thậm chí lợi dụng để loại bỏ nhà thầu không hợp với ý chí chủ quan của chủ đầu tư.
Giải pháp toàn diện hơn được ông Huân gợi mở, đó là kiểm soát đầu vào thay vì kiểm soát giá sàn, kết hợp với tăng cường giám sát thi công, hậu kiểm, yêu cầu thời gian bảo hành dài hơn. Đồng thời, phải đẩy mạnh chế tài xử lý đối với nhà thầu có vi phạm.
Bỏ thầu giá thấp xong không làm được
Giải trình trước vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cho hay, quy định kiểm soát về mức giá bỏ thầu nhằm bảo đảm công tác đấu thầu diễn ra thực chất, minh bạch, lựa chọn được nhà thầu có năng lực. Cùng đó là xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân khi tổ chức đấu thầu để xảy ra sai phạm.
Trước đây, luật Đấu thầu từng quy định về kiểm soát giá bỏ thầu, nhưng vì nhiều ý kiến cho rằng như vậy không đảm bảo lựa chọn được các nhà thầu thi công với giá thấp, nên Chính phủ trình Quốc hội bãi bỏ.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, hiện tượng bỏ thầu giá thấp xuất hiện trở lại, với tần suất nhiều, dẫn đến chậm tiến độ, lãng phí và thậm chí là thất thoát. Đến hiện tại, có những dự án Chính phủ vẫn đang phải tiếp tục xử lý.
Bộ trưởng Tài chính dẫn chứng về những nhà thầu đấu thầu xong nhưng đến lúc bắt tay vào thì không làm được, chậm tiến độ và bỏ dự án. Điển hình như một số dự án ở Tây nguyên, trước đây là Bộ GTVT, hiện giờ là Bộ Xây dựng vẫn đang phải xử lý.
"Dứt khoát chúng ta phải kiểm soát việc này", ông Thắng nói và cho rằng cần rà soát, xây dựng lại định mức, đơn giá cho phù hợp, để từ đó tạo ra công cụ, có chế tài đối với các trường hợp cố tình bỏ thầu giá thấp.
Song, tiếp thu ý kiến của đại biểu, dự thảo sẽ chỉnh lý theo hướng nếu nhà thầu bỏ giá thấp bất thường nhưng vẫn phù hợp với các quy định thì sẽ yêu cầu họ cam kết bảo hành dài hạn, tăng giá trị bảo đảm thực hiện hợp đồng hoặc phạt hợp đồng nếu không đáp ứng được chất lượng, tiến độ…
Đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị Chính phủ cho biết những vướng mắc trong công tác lựa chọn nhà thầu trong thời gian qua, nguyên nhân nào là do quy định của luật, nguyên nhân nào là do khâu tổ chức thực hiện.
"Nếu là nguyên nhân do luật cần phải đề nghị xử lý ngay, nếu do nguyên nhân ở khâu tổ chức triển khai thực hiện, Chính phủ phải có biện pháp để chấn chỉnh", ông Mai nói.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho hay, một trong những nguyên nhân dẫn đến vướng mắc trong tổ chức đấu thầu là những bất cập đến từ quy định của luật: đối tượng áp dụng quá rộng, chưa bảo đảm quyền tự chủ, tự quyết định hoạt động lựa chọn nhà thầu của chủ đầu tư, quy trình thủ tục còn rườm rà...
Tồn tại trên là nơi để "khu trú" cho 2 xu hướng. Một là lợi dụng để có tiêu cực như làm ẩu, làm vì lợi ích cá nhân. Hai là cho những trường hợp trốn tránh trách nhiệm, né tránh, đùn đẩy, cố tình kéo dài.
Vẫn theo Bộ trưởng Thắng, dù quy định trong luật Đấu thầu hay bất cứ luật nào có đúng 100% thì tổ chức thực hiện vẫn là khâu vô cùng quan trọng. "Nếu tổ chức thực hiện không nghiêm túc thì sẽ vượt hết, quy định nào cũng có thể vượt qua", ông Thắng nói.