Bali lo ngại thành 'đấu trường thanh trừng' của tội phạm nước ngoài

Tỷ lệ tội phạm liên quan đến người nước ngoài tại Bali đang gia tăng đáng báo động, làm dấy lên lo ngại hòn đảo du lịch nổi tiếng này có thể trở thành "đấu trường thanh trừng" của các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
Cảnh sát Bali đã ghi nhận 226 vụ án liên quan đến người nước ngoài trong năm 2024, tăng 16% so với 194 vụ năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm nay, 108 vụ được ghi nhận.
Chính trị gia địa phương Agung Bagus Pratiksa Linggih cho rằng tình trạng này phần lớn xuất phát từ làn sóng du khách giá rẻ lưu trú dài hạn tại các cơ sở lưu trú không phép, nở rộ sau đại dịch.
"Chất lượng khách du lịch đến Bali đang giảm sút", ông Agung nói. Sự bùng phát của các homestay trái phép đã tạo điều kiện cho những người nước ngoài có ngân sách thấp lưu lại lâu hơn.
Hiện mỗi ngày có hơn 60.000 lượt khách đổ tới Bali, nơi có dân số khoảng 4,2 triệu người. Năm ngoái, hòn đảo đón hơn 6,3 triệu lượt khách quốc tế và chính quyền địa phương đang đặt mục tiêu vượt mốc 6,5 triệu trong năm nay.
Tuy nhiên, người dân địa phương cảnh báo áp lực từ lượng khách quá lớn, nếu không đi kèm với biện pháp kiểm soát phù hợp, sẽ là cơ hội cho các thành phần tội phạm thâm nhập.
"Chúng tôi đã chứng kiến các phòng thí nghiệm ma túy tại biệt thự cho thuê, các vụ lừa đảo tiền ảo, gian lận bất động sản và đánh cắp thông tin tại cây ATM", nhà hoạt động xã hội Piter Panjaitan nói. Thủ tục nhập cảnh dễ dãi là một trong những nguyên nhân đang biến Bali thành điểm trú ẩn của nhiều tội phạm.
Panjaitan đề xuất tăng cường kiểm soát nhập cư và đào tạo lực lượng cảnh sát cũng như ưu tiên chất lượng du lịch hơn số lượng.
Dù phần lớn tội phạm liên quan đến người nước ngoài xoay quanh các hành vi bạo lực và gian lận, các chuyên gia lo ngại một "thế giới ngầm" đang dần hình thành tại Bali. Nếu không được kiểm soát, tình hình có thể biến chuyển nghiêm trọng và ăn sâu vào cấu trúc xã hội.
"Đây là giai đoạn khởi phát của các tổ chức tội phạm có tổ chức", nhà tội phạm học Adrianus Meliala thuộc Đại học Indonesia cảnh báo trên tờ Kompas. Nếu không bị ngăn chặn, chúng có thể phát triển thành các băng đảng kiểu mafia như ở Italy, với vũ trang và lực lượng riêng.
Cảnh báo này được đưa ra sau vụ hai công dân Australia bị tấn công bằng súng tại một biệt thự ở phía nam đảo Bali vào rạng sáng 14/6. Trong vụ việc, Zivan Radmanovic, 32 tuổi, đã thiệt mạng, trong khi Sanar Ghanim, 34 tuổi, bị bắn vào chân và bị hành hung. Ba nghi phạm đã bị bắt giữ, động cơ vụ án vẫn đang được điều tra.
Năm ngoái, cảnh sát Bali bắt giữ hơn 1.300 người vì các hành vi liên quan đến ma túy, tăng gần 23% so với năm trước, theo The Jakarta Post. Công dân Mỹ dẫn đầu danh sách bị bắt, tiếp theo là người Australia, Nga và Anh. Cảnh sát cũng thu giữ 21 kg ma túy đá, hơn 18.000 viên thuốc lắc và gần 90 kg cần sa trong nhiều cuộc truy quét.
Tướng Marthinus Hukom, Giám đốc Cơ quan Phòng chống Ma túy Quốc gia Indonesia, cho biết các đường dây buôn bán ma túy quốc tế đang hoạt động ngày càng tinh vi tại Bali, lợi dụng công nghệ blockchain và tiền mã hóa để thực hiện giao dịch.
Ông cảnh báo nếu không có biện pháp cứng rắn, các tổ chức buôn ma túy có thể biến Bali thành "đấu trường thanh trừng", ám chỉ vụ nổ súng tại biệt thự hồi tháng 6.
Anh Minh (Theo SCMP)