Bài toán lương bác sĩ 5 năm đầu sau ra trường

Tôi có một số người quen, bạn bè học ngành y. Như tôi học đại học ngành đào tạo 4 năm, sau đó đi làm. Còn đứa bạn tôi thì hơn hai năm sau mới bắt đầu tốt nghiệp, đi làm.
Có một thực tế ít được nói đến: bên cạnh thời gian đi học là khó khăn nhất, các bác sĩ còn gặp nhiều áp lực trong 5 năm đầu sau khi ra trường. Đó là giai đoạn mà người thầy thuốc phải học tiếp để hành nghề, tích lũy kinh nghiệm, làm việc với áp lực cao nhưng đồng thời lại nhận mức lương chưa tương xứng.
Ít nhất vượt qua 5 năm đó thì mới ổn định.
Ở các bệnh viện công, bác sĩ mới ra trường thường nhận mức lương cơ bản theo hệ số. Trong khi đó, làm việc tại bệnh viện tư lại không dễ dàng, vì chưa đủ kinh nghiệm và chứng chỉ hành nghề. Sinh viên y ra trường, lấy chứng chỉ hành nghề, rồi sau vài năm phải gom tiền học chuyên khoa... thời gian, công sức và tiền bạc đổ ra là rất lớn.
Trong khi đang có nhiều chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao vào lĩnh vực công nghệ, tài chính hay giáo dục, thì ngành y, dù đặc thù và yêu cầu đào tạo dài hơn, lại đang bị tụt lại phía sau về chính sách đãi ngộ khởi điểm.
Miễn học phí cho sinh viên y là một đề xuất đáng hoan nghênh, nhưng chỉ miễn học phí thôi thì chưa đủ. Bởi sau khi tốt nghiệp, chi phí cuộc sống và những áp lực tài chính lại là rào cản khiến người trẻ khó gắn bó với nghề.
Theo tôi, cần có một cơ chế hỗ trợ đặc biệt trong 5 năm đầu tiên hành nghề cho các bác sĩ trẻ làm tại hệ thống công lập. Khoản thu nhập này tuy không lớn nhưng sẽ giúp họ duy trì cuộc sống tối thiểu, yên tâm học hỏi, và không bị cuốn vào những nỗi lo cơm áo khi còn đang rèn luyện tay nghề.
Một bác sĩ giỏi không thể chỉ sống bằng tinh thần. Họ cũng cần ăn, cần trả tiền trọ, cần hỗ trợ gia đình và tích lũy để học tiếp. Một hệ thống y tế tốt không thể chỉ trông chờ vào tinh thần tự lực của người trẻ, mà cần có một chính sách bền vững để nuôi dưỡng họ từ những năm tháng gian nan đầu tiên.
Tâm Nguyễn