Bài toán khó của HLV Mano Polking

Trận thua 0-2 trước Hà Nội ở vòng 24 V.League không chỉ là cú sảy chân, mà còn cho thấy CAHN đang lạc lối trong việc định hình lối chơi và thích nghi với áp lực đường dài ở V.League.
![]() |
CAHN thua 0-2 trước Hà Nội - Ảnh: CAHN. |
“CAHN bước vào trận đấu trong trạng thái mệt mỏi về nhiều mặt, sau 120 phút thi đấu căng thẳng ở trận chung kết lượt về Cúp Đông Nam Á với Buriram United. Không chỉ thể lực bị bào mòn, tinh thần của các cầu thủ cũng bị ảnh hưởng sau một trận đấu mà chúng tôi rất thất vọng với kết quả”, HLV Polking nói sau trận thua 0-2 của CAHN trước Hà Nội.
Trận đấu với Hà Nội diễn ra chỉ vài ngày sau khi CAHN trở về từ Thái Lan. Họ vừa trải qua 120 phút căng thẳng trước Buriram United cùng quãng đường di chuyển dài. Tuy nhiên trận thua tại Hàng Đẫy không chỉ đến từ đôi chân mỏi mệt mà còn do những sai số chiến thuật cố hữu.
CAHN chơi hơn người từ phút 63 khi Xuân Mạnh của Hà Nội nhận thẻ vàng thứ hai và bị truất quyền thi đấu. Nhưng chính trong quãng thời gian này, họ lại nhận bàn thua thứ hai từ một pha phản công mẫu mực của đối thủ. Đó là tình huống hậu vệ CAHN dâng cao, để lại khoảng trống mênh mông trước mặt khung thành.
Nếu nhìn lại những trận đấu đã qua của CAHN thì đó không phải lần đầu. Ở trận chung kết lượt về với Buriram, đội bóng ngành Công an cũng để đối phương khai thác khoảng trống theo cách tương tự và ghi 3 bàn liên tiếp trong thời gian thi đấu chính thức. Hệ thống phòng ngự của CAHN có xu hướng dâng cao nhưng thiếu đồng bộ và khả năng bọc lót giữa các tuyến. Điều này khiến đội hình dễ bị chia cắt, đặc biệt là trước những đội biết phản công nhanh.
Vấn đề thứ hai mà CAHN đang gặp đó là thường mất điểm trước các đội bóng yếu hơn ở V.League. Phải thừa nhận rằng thầy trò HLV Polking chơi một lối chơi rất hiện đại, sắc bén ở Cúp Đông Nam Á. Họ vượt qua những đối thủ hàng đầu ở khu vực để tiến vào chung kết một cách thuyết phục và chỉ để thua Buriram United ở loạt cân não. Nhưng tại V.League, khi gặp các đội chiếu dưới, đội bóng của HLV Polking lại thường xuyên trầy trật. Họ từng để các đội Quảng Nam, SLNA hay TP.HCM cầm hòa, thậm chí còn thua trước đội hình trẻ của HAGL.
![]() |
CAHN thường "sai số" trong khâu phòng ngự - Ảnh: CAHN. |
Nguyên nhân phần lớn đến từ cách các đối thủ tại V.League tiếp cận trận đấu với CAHN. Gặp đội bóng được đầu tư mạnh mẽ, sở hữu đội hình chất lượng thuộc hàng đầu giải, các đội chọn cách đá thực dụng phòng ngự số đông, không cần kiểm soát bóng, chỉ tìm cách có điểm. Hình ảnh “xe buýt hai tầng” không còn là hình ảnh ẩn dụ mà trở thành thực tế. Các đội sẵn sàng chơi tiêu cực chỉ để giữ được một kết quả hòa hoặc chờ cơ hội phản công bất ngờ.
Đây là bài toán mà HLV Polking vẫn chưa có lời giải. CAHN phụ thuộc vào cá nhân như Leo Artur, Alan hay Quang Hải khiến lối chơi trở nên dễ bắt bài khi bị bóp nghẹt không gian.
Ngoài ra chiều sâu đội hình CAHN dù tốt so với mặt bằng chung nhưng chưa thể tạo ra khác biệt khi cần xoay tua liên tục. Những cầu thủ dự bị như Xuân Thịnh hay Hoàng Văn Toản, Phạm Văn Luân,… chưa thể gánh vác tốt khi đá thay các trụ cột. Trong một giải đấu khốc liệt như V.League, chỉ có đội hình chất lượng cao và ổn định cả mùa mới có thể hướng tới chức vô địch một cách sòng phẳng.
Mùa giải còn 2 vòng, Nam Định đang nắm lợi thế lớn và CAHN gần như đã bị loại khỏi cuộc đua vô địch. Họ không thiếu cầu thủ giỏi, nhưng thiếu một lối chơi ổn định và bản lĩnh để xử lý các trận cầu khó. Với HLV Polking, đó sẽ là bài toán khó. Muốn thành công ở V.League, không chỉ cần đánh bại những đội mạnh, mà còn phải biết cách khuất phục những đội chơi tiêu cực, điều mà đến giờ CAHN vẫn loay hoay đi tìm lời giải.
NXB Công Thương giới thiệu cuốn "Triết lý lãnh đạo Park Hang-seo", nghiên cứu những kỹ năng quản trị và phong cách lãnh đạo của ông Park, thứ đã góp phần tạo nên thành công của ông ở tuyển Việt Nam ngày nay.