Bài toán 'đẩy xe cà phê, sáng bán 50 ly lời 250 nghìn'

Tôi có đứa em, đang đi học nghề dán keo xe máy, lương tháng không cao nhưng chủ thương, bao cơm ngày hai bữa. Công việc chưa đâu vào đâu, thì đột ngột nghỉ ngang với lý do 'không học được gì'.
Rồi sau đó xin tôi mượn 10 triệu đồng để làm xe cà phê đẩy bán ở trước khu công nghiệp. Em ấy bảo: 'Sáng bán 50 ly, mỗi ly lời 5.000, sơ sơ cũng 250 nghìn một buổi'.
Nhưng nghe cách em tính mà tôi thấy lạnh gáy. Em nói sẽ bán 50 ly một buổi, nhưng chưa một lần ra khảo sát xem ở cổng khu công nghiệp đó hiện đã có bao nhiêu xe bán, họ bán thế nào, người ta có mua không. Nhưng tôi phải "cấp vốn" vì biết không thể ngăn cản được.
Thanh niên đi bán cà phê buổi sáng nhưng buổi tối nằm bấm điện thoại tới khuya, không biết phải dậy mấy giờ, chuẩn bị mất bao lâu, hôm nào mưa gió không bán được thì sao, khách hàng quen đâu mà có ngay? Dĩ nhiên là sau một thời gian đã thất bại, đã quay lại xin làm ở chỗ cũ.
Từ bài viết Mất 400 triệu tiết kiệm sau khi 'thử bán bún bò online'. Đó là những ví dụ nhỏ nhưng cho thấy một vấn đề lớn: nhiều người lao vào kinh doanh nhưng tính toán chưa đủ.
Kinh doanh, dù nhỏ nhất, cũng cần phải biết phân tích chi phí, hiểu thị trường, và đặc biệt là phải có trải nghiệm thực tế trước khi dốc tiền ra đầu tư.
Một chiếc xe đẩy cà phê có thể là kế sinh nhai cho người này, nhưng cũng là nấm mồ tài chính cho người khác. Sự khác biệt nằm ở việc có tính toán hay không.
Với những người đang làm công việc ổn định, có thu nhập cơ bản, thì nên suy nghĩ kỹ trước khi nghỉ ngang để mơ mộng làm chủ. Chủ không phải chỉ có "ngồi bán lấy tiền", mà là lo từ nguyên liệu, nguồn khách, đối thủ cạnh tranh, cho đến chuyện giấy phép, kiểm tra, an toàn vệ sinh.
Làm nhỏ nhưng phải làm đúng, đừng sơ sài với giấc mơ khởi nghiệp của bản thân.
Đức Phương