'Bài thuốc' đưa người trẻ trầm cảm hòa nhập cuộc sống

TPO - Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y Tế, tỷ lệ người được chẩn đoán trầm cảm dao động từ 3,1 – 6% dân số tùy theo vùng, ít hơn ở thành thị và đạt đỉnh ở các thành phố lớn. Theo một nghiên cứu được bệnh viện Bạch Mai công bố năm 2017, tỉ lệ tử vong do trầm cảm là 40.000 người/ năm, cao gấp 4 lần so với tai nạn giao thông.
Sáng 24/5, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa, nguyên Trưởng phòng Thực nghiệm và ứng dụng Tâm lý học, Viện Tâm lý học (nay là Viện Xã hội học và Tâm lí học); Viện trưởng Viện Tâm lí học và Truyền thông thuộc Hội Tâm lý học Việt Nam đã có buổi giao lưu nhân dịp ra mắt cuốn cẩm nang "Hãy nói rằng con cần mẹ" dành cho người trầm cảm.
![]() |
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa (bên phải) chia sẻ về các nội dung liên quan đến bệnh trầm cảm. |
Thuộc thế hệ 7x, bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam chia sẻ những khó khăn của người mẹ khi có con thuộc thế hệ genZ. Bà cảm thấy đôi khi lúng túng, bất lực trước những đòi hỏi về quyền lợi của con như quyền được bày tỏ nỗi buồn, quyền được tụt mood (tâm trạng đi xuống). Thậm chí, bà thấy hoảng hốt khi con nói về việc tự tử như là một quyền chính đáng của người trẻ.
Bà Phượng nhắc đến cuốn sách “Chạm đáy nỗi đau” khi kể về một cặp vợ chồng cùng học chuyên và thành đạt. Nhưng sau đó, người chồng bị trầm cảm, mất, người vợ sau đó cũng trầm cảm. Rất may đến giờ người phụ nữ đã trở lại với cuộc sống bình thường, không còn nghĩ đến việc tự tử. Nhưng những tổn thương trong sâu thẳm tâm hồn không phải nói hết là sẽ hết, đôi khi nó chỉ tạm thời ngủ yên. “Vượt qua những chướng ngại về tâm lí chưa bao giờ là dễ dàng”, bà Phượng khẳng định.
ThS Nguyễn Khánh Linh, nhà sáng lập viên Beautiful Mind Việt Nam- vừa được vinh danh là người phụ nữ Việt Nam đầu tiên trở thành chuyên gia Google Developer Expert về Máy Học thuộc lĩnh vực AI tạo sinh của năm 2025 - cũng chia sẻ việc bản thân mắc rối loạn tâm lí lâu năm.
![]() |
Nguyễn Khánh Linh (người đứng) chia sẻ câu chuyện bản thân bị rối loạn lo âu. |
Năm 2015, khi đang theo học thạc sĩ tại Đại học Quốc gia Singapo, Linh quyết định thành lập tổ chức Beautiful mind Việt Nam để hỗ trợ những người bị rối loạn tâm lí, đặc biệt là giai đoạn COVID-19 ảnh hưởng nặng đến Việt Nam. Linh cho rằng, may mắn nhất của bản thân là bố mẹ không làm trong nghề nhưng có hiểu biết, tìm mọi cách chữa trị cho con.
Đừng buông tay
PGS.TS Nguyễn Phương Hoa, tác giả cuốn cẩm nang "Hãy nói rằng con cần mẹ) chia sẻ một sự thật đau lòng về bản thân bà trải qua. Bà không ngờ rằng làm việc rất lâu trong ngành tâm lí, hỗ trợ rất nhiều bệnh nhân, đến khi con bị bệnh nặng mới phát hiện. Và khi đó, bà hoàn toàn mất phương hướng. Bà còn nhớ, khi nhận kết quả tại bệnh viện Quân Y, cảm giác trống rỗng, bất lực, bà gọi điện cho PGS Nguyễn Sinh Phúc, và vợ chồng bà đã vô thức đi bộ gần 9km đến nhà PGS trong đêm để xin ý kiến.
Có lợi thế vừa học ở Nga, vừa học ở Pháp, bà lao vào tìm tài liệu, đọc tất cả những cuốn sách bà tìm được bằng bất cứ ngôn ngữ nào. Bằng chuyên môn, bằng tình yêu con của người mẹ, bà đã đưa con trở về với cuộc sống hằng ngày. Khi được hỏi vì sao bà đặt tên cuốn sách là “Hãy nói rằng con cần mẹ”, PGS Phương Hoa cho hay, sự đồng hành, hỗ trợ của người thân rất quan trọng đối với người bệnh. Nhưng sẽ thành công hơn khi người bệnh chủ động chia sẻ những khó khăn, nhu cầu của họ. Tức giữa người thân và người bệnh đã có sự tương tác hai chiều.
“Câu nói “cố lên” vốn là một sự động viên, nhưng với người mắc bệnh tâm lí đó là áp lực. Không ai biết rằng hoạt động như thói quen hằng ngày của con người như đánh răng cũng trở thành gánh nặng rất khó thực hiện đối với người bệnh. Thay vì nói cố lên, vì họ vốn không cố được nữa, hãy định hướng, hỗ trợ, đồng hành cùng họ”, PGS Phương Hoa nói.
PGS.TS Nguyễn Sinh Phúc, Học viện Quân Y cho rằng, cách chăm sóc bệnh nhân trầm cảm rất quan trọng. Từ thực tế điều trị, PGS Phúc nhận thấy hiện tượng phổ biến nhất đối với người thân của bệnh nhân là phủ định bệnh. Chính vì vậy, có khá nhiều bệnh nhân trầm cảm tái nhập viện phần lớn liên quan đến việc gia đình không công nhận họ mắc bệnh nên tự ý thay đổi thuốc điều trị, giảm liều lượng, dừng thuốc... Một vấn đề nữa là tình trạng xã hội kì thị đối với bệnh nhân bị bệnh tâm lí. Ông Phúc cho biết rất nhiều bệnh nhân ngại đi khám vì sợ gặp người quen.
Trong những năm gần đây, trầm cảm ở trẻ vị thành niên và thanh niên đang trở thành một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, khiến nhiều gia đình rơi vào cảm giác hoang mang, bất lực. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trung bình cứ mỗi 20 người thì có một người bị bệnh trầm cảm (5% dân số thế giới), hiện có 300 triệu người được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm và con số ấy không ngừng tăng lên sau COVID - 19, từ năm 2020. Tại Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Y Tế, tỷ lệ người được chẩn đoán trầm cảm dao động từ 3,1 – 6% dân số tùy theo vùng, ít hơn ở thành thị và đạt đỉnh ở các thành phố lớn.
Ở Việt Nam, hiện chưa có số liệu nghiên cứu chính xác, nhưng tỉ lệ bệnh nhân trầm cảm được khám và chữa trị có thể thấp hơn nhiều, đó là chưa tính đến hiệu quả của việc chữa trị. Những ngộ nhận về bệnh trầm cảm đã hạn chế sự tiếp cận đầy đủ và đúng đắn về kiến thức của căn bệnh này, đồng thời giới hạn khả năng tiếp cận của người bệnh với hệ thống trợ giúp y tế; và kéo theo đó, những người thân của người bị bệnh trầm cảm cũng không được trang bị kiến thức và sự chuẩn bị đầy đủ về tinh thần để có thể đồng hành hiệu quả cho người bệnh.