Nhảy đến nội dung

Bài phát biểu của Chủ tịch nước tại Đại lễ Vesak 2025

Tri Thức - Znews trân trọng giới thiệu bài phát biểu tại phiên khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2025 (Đại lễ Vesak 2025) sáng 6/5 của Chủ tịch nước Lương Cường.

- Thưa các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam;

- Thưa các vị nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các Chính phủ, các tổ chức quốc tế;

- Thưa chư tôn đức giáo phẩm đại diện Phật giáo các nước, các tông phái Phật giáo trên thế giới, cùng quý chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam;

- Thưa quý vị đại biểu; đồng bào, Phật tử trong và ngoài nước;

Hôm nay, trong không khí trang nghiêm của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước Việt Nam, tôi xin nhiệt liệt chào mừng sự có mặt của các vị nguyên thủ các quốc gia, lãnh đạo các Chính phủ, các tổ chức quốc tế và đông đảo quý vị chư tôn đức giáo phẩm đại diện cho Phật giáo trên toàn thế giới, cùng quý vị đại biểu, đồng bào, Tăng Ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở ngoài nước. Sự hiện diện của quý vị là biểu hiện sinh động của tinh thần đoàn kết, từ bi và hòa hợp - những giá trị cốt lõi mà Đức Phật đã để lại cho nhân loại. Trước hết, tôi trân trọng gửi tới tất cả quý vị lời chào thân thiết, lời chúc tốt đẹp nhất trong tình thân ái và đoàn kết; chúc Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 lần thứ 4 được tổ chức tại Việt Nam sẽ thành công tốt đẹp.

Dai le Vesak 2025 anh 1

Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại phiên khai mạc Đại lễ Vesak 2025 sáng 6/5, diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thưa các quý vị!

Đức Phật ra đời cách đây hơn 2.600 năm, những giá trị cốt lõi của giáo lý Từ bi - Trí tuệ mà Ngài truyền dạy vẫn vẹn nguyên ý nghĩa đối với nhân loại hôm nay. Tinh thần từ bi, khoan dung, độ lượng, vị tha và sẻ chia mà Đức Phật khai thị đã, đang và sẽ mãi là nguồn cảm hứng trong hành trình kiến tạo một thế giới hòa bình, an lạc và phát triển bền vững.

Đại lễ Vesak - ngày kỷ niệm ba sự kiện trọng đại trong cuộc đời Đức Phật: Đản sinh, Thành đạo và Nhập Niết-bàn - sự kiện đặc biệt này không chỉ có ý nghĩa đối với hàng triệu tín đồ Phật tử trên toàn thế giới, mà còn là dịp để mọi người cùng chiêm bái và lan tỏa những giá trị cao đẹp của đạo Phật: từ bi, trí tuệ và hòa bình.

Ở Việt Nam, Đại lễ Vesak là sự kiện tôn giáo quốc tế lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào Phật tử và người dân có cảm tình với Phật giáo trên toàn thế giới, trong đó có Giáo hội Phật giáo, đất nước và con người Việt Nam.

Chúng tôi hoan nghênh và đánh giá cao chủ đề Đại lễ Vesak 2025: “Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững". Đây là một thông điệp có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức như xung đột, bất bình đẳng, biến đổi khí hậu và khủng hoảng đạo đức xã hội. Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 rất có ý nghĩa khi được tổ chức đúng dịp Việt Nam vừa long trọng Kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và hướng tới Kỷ niệm 80 năm ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Dai le Vesak 2025 anh 2

Chủ tịch nước Lương Cường cùng các đại biểu trong và ngoài nước dự Đại lễ Vesak 2025. Ảnh: Quỳnh Danh.

Thưa các quý vị!

Việt Nam là một đất nước có truyền thống Phật giáo lâu đời, gắn bó sâu sắc với lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Trong suốt hơn 2.000 năm qua, Phật giáo đã trở thành một phần không thể tách rời của đời sống văn hóa, tâm linh người Việt. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, Phật giáo Việt Nam luôn nêu cao tinh thần “hộ quốc an dân”, Đạo pháp luôn đồng hành cùng Dân tộc. Những giá trị như lòng yêu nước, tỉnh thần khoan dung, ý thức hướng thiện của Phật giáo đã thấm sâu vào tâm hồn người Việt và góp phần hun đúc bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đang tiếp nối truyền thống đó, tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hàng vạn Tăng Ni, Phật tử trên mọi miền đất nước không chỉ tinh tấn tu học, hoằng dương Chính pháp, mà còn đi đầu trong nhiều hoạt động ích nước lợi dân, như qua các việc làm từ thiện, an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, tham gia bảo vệ môi trường, chăm sóc sức khỏe cộng đồng... đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và phát triển bền vững ở Việt Nam, giúp cho đạo và đời hòa quyện, hướng tới hạnh phúc chung.

Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn đánh giá cao và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các tôn giáo, trong đó có Phật giáo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người và coi đó là nền tảng quan trọng để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện cho Tăng Ni, Phật tử cả nước, đã thể hiện tốt vai trò của mình trong việc hướng dẫn tín đồ tu hành, sống “tốt đời, đẹp đạo”, đóng góp vào sự phát triển của đất nước và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc năm 2025, cho thấy Phật giáo Việt Nam không chỉ gắn bó với dân tộc, mà còn đang tích cực đóng góp vào các hoạt động Phật giáo quốc tế. Các Tăng Ni, Phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục chung tay cùng Tăng Ni, Phật tử thế giới phụng sự Đạo pháp và nhân loại, vì mục tiêu chung là hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Thưa các quý vị!

Tình hình thế giới hiện nay và những năm tới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo; song, đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như chiến tranh, xung đột, biến đổi khí hậu, bất bình đẳng, đói nghèo và những hệ lụy của thiên tai, dịch bệnh toàn cầu. Siêu bão Yagi mà Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực phải gánh chịu, hay động đất ở Myanmar, Thái Lan vừa qua, một lần nữa cảnh báo mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của thiên tai và biến đổi khí hậu đối với sự phát triển bền vững của thế giới. Những thách thức ấy kêu gọi chúng ta càng cần tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, chung tay cùng hành động, nỗ lực vì một thế giới hòa bình, phát triển bền vững và vì phẩm giá con người.

Chủ đề của Đại lễ Vesak năm nay đã thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Liên Hiệp Quốc đối với hoạt động mang tính xã hội rộng rãi, vì một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Phát huy tinh thần khoan dung, hòa hợp, nhân ái và từ bì mà Đức Phật đã trao truyền, để cùng nhau xây dựng thế giới "hòa bình an lạc". Đây là nền tảng vững chắc để vươn tới sự ổn định trong xã hội, tìm lại bình yên giữa thiên nhiên, môi trường sống. Chủ đề Vesak 2025 cũng phản ảnh khát vọng và tầm nhìn thời đại, khi liên kết các giá trị Phật giáo với các sáng kiến toàn cầu như mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc. Ý nghĩa của Đại lễ năm nay được tổ chức tại TP.HCM càng trở nên sâu sắc, ngay sau khi Việt Nam tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước - một biểu tượng sống động của khát vọng hòa bình, hòa hiếu, của hành trình dân tộc Việt Nam vượt qua chia cắt và hận thù, gác lại quá khứ để hướng tới một tương lai đoàn kết, hòa hợp, tốt đẹp và thịnh vượng.

Thưa các quý vị!

Với vai trò là nước chủ nhà, chúng tôi mong và tin Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 được tổ chức tại Việt Nam lần này sẽ thành công tốt đẹp; các đại biểu sẽ chia sẻ nhiều kinh nghiệm hữu ích, tham gia đóng góp tích cực đối với các nội dung theo chủ đề của Đại lễ; đồng thời, có những trải nghiệm thực tế để hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam. Thông qua trí tuệ Phật giáo để xây dựng tương lai thế giới hòa bình, nhân ái và phát triển bền vững hơn... Đức Phật dạy, hòa bình thật sự đến từ nội tâm thanh tịnh, vì vậy, chỉ có vun đắp hòa bình thông qua sự chuyển hoá niềm tin của từng cá nhân, từ đó dẫn đến chuyển hóa niềm tin của toàn xã hội.

Tôi đề nghị, chúng ta cần đưa tâm Từ bi vào chính sách, mang Trí tuệ vào định hướng phát triển, đề cao tinh thần Vô ngã - Vị tha, tức là làm việc gì cũng không vì bản thân mình mà luôn nghĩ đến lợi ích của đại chúng.

Với tinh thần đó, thay mặt cho nước chủ nhà của Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025, một lần nữa, tôi xin chào đón các quý vị trong niềm vui và đoàn kết; chúc các quý vị sức khỏe, có một mùa Vesak an lạc trong ánh từ quang của Đức Phật và trong niềm tin vào một tương lai tươi sáng hòa bình, hạnh phúc cho toàn thể nhân loại.

Xin trân trọng cảm ơn.

Tự chữa lành nhờ sách tâm lý

Sau chuỗi ngày rối loạn lo âu, mất ngủ, sợ hãi, Đặng Phước Thắng (TP.HCM) tìm đến sách và ngành tâm lý học để chữa lành. Nếu cuốn Sang chấn tâm lý - Hiểu để chữa lành giúp anh hiểu về những tổn thương và chọn cách sống hạnh phúc hơn, Bạn không thông minh lắm đâuBạn đã đỡ ngu ngơ hơn rồi đấy là cách tiếp cận tâm lý học hài hước nhưng sâu sắc trong các mối quan hệ thường ngày.