Bác sĩ viện công từ chối kết quả xét nghiệm trước đó của tôi ở viện tư

Tôi vừa đi khám ở một bệnh viện công tuyến đầu. Vì trước đó tôi có từng thăm khám ở một viện tư khác, nên khi vào viện công, tôi có mang theo kết quả xét nghiệm trước đó vài hôm với hy vọng rút ngắn được quá trình khám, giúp bác sĩ sớm tìm ra bệnh để có phác đồ điều trị.
Tuy nhiên, bác sĩ tiếp nhận khám cho tôi đã một mực từ chối kết quả xét nghiệm tại viện tư của tôi và yêu cầu phải đi xét nghiệm lại từ đầu. Khi tôi thắc mắc về vấn đề này, vị bác sĩ đáp rằng "chỉ tin vào kết quả xét nghiệm do bệnh viện này làm". Dù không thỏa mãn với câu trả lời đó, nhưng vì không muốn mất thời gian đôi co, nên tôi đành im lặng và làm theo. Đương nhiên là chi phí với thời gian khám bệnh của tôi tăng lên rất nhiều do phải làm lại tất cả các loại xét nghiệm, chụp chiếu.
Vấn đề ở đây là tôi không hiểu tại sao kết quả xét nghiệm của nơi này lại không được nơi khác tin tưởng và chấp nhận, dù tất cả các bệnh viện đó đều được cấp phép hoạt động và quản lý bởi Bộ Y tế? Chuyện cứ vào viện là phải làm đủ loại xét nghiệm thực ra không hiếm mà khá phổ biến và bệnh nhân luôn phải chấp nhận rằng mỗi lần vào việc khác lại phải xét nghiệm lại từ đầu.
Hiện nay, các xét nghiệm thông thường như máu, nước tiểu, X-quang, siêu âm, nội soi... tương đối phổ biến, hầu tư bệnh viện nào (công hay tư) đều có thể làm được và kết quả chẳng khác nhau là mấy. Nếu viện lớn, tuyến đầu cứ bắt buộc người bệnh phải làm lại tất cả những xét nghiệm thông thường như vậy mỗi khi tới khám thì rõ ràng chuyện quá tải là hoàn toàn dễ hiểu.
>> Chỉ mua thuốc cảm nhưng được kê 4 thực phẩm chức năng
Từ câu chuyện bất cập khi đi khám của mình, tôi thực tâm mong Bộ Y tế sớm xây dựng một ứng dụng chung. App này sẽ là nơi lưu trữ toàn bộ dữ liệu của người bệnh khi thăm khám tại các cơ sở y tế được cấp phép. Mỗi người sẽ có thể tạo một tài khoản để dễ dàng truy cập, tra cứu toàn bộ lịch sử y tế của bản thân mình.
Thông qua ứng dụng này, người dân có thể lựa chọn bệnh viện, đăng ký khám, đặt lịch gặp bác sĩ trực tiếp. Các bác sĩ cũng có thể dựa vào kết quả xét nghiệm trước đó của bệnh nhân để giảm tải thủ tục và thời gian thăm khám. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định thêm các xét nghiệm cần thiết (chưa làm trước đó) để các bệnh nhân có thể tự làm ở các cơ sở y tế khác, rồi mang kết quả xét nghiệm đến cho bác sĩ để đưa ra kết luận.
Làm được như vậy, tôi tin hoàn toàn có thể giảm tải cho cả bệnh nhân và bệnh viện tuyến đầu. Thực tế, ở Việt Nam, các bệnh nhân hầu như không biết sẽ phải xét nghiệm gì cho đến khi được bác sĩ chỉ định. Trong khi đó, nhiều bệnh viện cũng không chấp nhận kết quả xét nghiệm, chụp chiếu của các cơ sở y tế khác, nên cứ ai đi khám là đều phải làm lại hết từ đầu. Hy vọng sắp tới, Bộ Y tế sẽ có những cải cách mạnh mẽ để việc khám chữa bệnh trở nên dễ dàng, thuận tiện hơn, giảm tải cho cả bệnh viện và người dân.
Ldovan