Bác sĩ chỉ ra những sai lầm phổ biến khi đo huyết áp

Uống cà phê, nói chuyện khi đo huyết áp, cánh tay buông thẳng... là những sai lầm phổ biến khi đo huyết áp tại nhà mà nhiều người mắc phải.
Sáng 12.7, hội thảo khoa học 'Chiến lược quản lý các bệnh lý tim mạch- chuyển hóa: Từ khuyến cáo đến thực hành lâm sàng' được tổ chức tại Bệnh viện Gia An 115, đưa ra các thông tin quan trọng trong điều trị cho người bệnh.
Với 4 báo cáo tập trung vào các chủ đề: Hội chứng mạch vành mạn, tăng huyết áp và tiểu đường loại 2, hội thảo cập nhật các khuyến cáo trong và ngoài nước; đồng thời nhấn mạnh việc triển khai điều trị cá thể hóa, lấy người bệnh làm trung tâm.
Nên phát hiện và kiểm soát bệnh tim mạch trước khi có cơn đau ngực
Theo Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Đặng Vạn Phước, Phó chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, nguyên nhân góp phần gây ra các cơn đau ngực và một số vấn đề về chức năng tim một nửa là do vi tuần hoàn.
“Sự rối loạn chức năng vi tuần hoàn có thể dẫn tới thiếu máu tế bào cơ tim. Do vậy, ngay cả khi kết quả kiểm tra động mạch vành là bình thường, bệnh nhân vẫn có thể bị thiếu máu tế bào cơ tim. Trong đó, đau ngực và khó thở là 2 triệu chứng luôn cần được tầm soát kỹ lưỡng. Để kiểm soát tốt hơn tình trạng bệnh trước khi bắt đầu có cơn đau ngực, bệnh nhân có thể được chỉ định siêu âm tim để phát hiện các rối loạn chức năng tâm thu, tâm trương. Điều này góp phần giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim”, Giáo sư Đặng Vạn Phước cho hay.
Biến chứng do tiểu đường có thể đến rất nhanh
Trong báo cáo “Tiếp cận toàn diện trong điều trị tiểu đường loại 2: Từ khuyến cáo đến Thực hành lâm sàng”, Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Bích Đào, Chủ tịch Hội Đái tháo đường và Nội tiết TP.HCM, cho biết theo kết quả của một nghiên cứu trên tạp chí y khoa The Lancet (Anh), có khoảng 828 triệu người trưởng thành mắc bệnh tiểu đường loại 2 toàn cầu năm 2022; tăng gấp 4 lần so với năm 1990. Trong khi đó, tỷ lệ bao phủ điều trị vẫn ở mức thấp, đặc biệt tại các nước có thu nhập thấp và trung bình.
Từ đó, theo Phó giáo sư Bích Đào, 4 điều cần được thực hiện cùng lúc để kiểm soát tình trạng tiểu đường gồm: Quản lý đường huyết, huyết áp, lipid máu, sử dụng thuốc có lợi cho thận và tim mạch.
“Khi mới được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường, 12,3% bệnh nhân có biến chứng thận mạn. Thời gian phát hiện các biến chứng khác là trong khoảng 3-5,2 năm - ngắn hơn so với những gì chúng ta vẫn nghĩ rất nhiều. Do đó, cần có sự can thiệp sớm hơn để hạn chế biến chứng. Các yếu tố nguy cơ mà ta có thể can thiệp được bao gồm hút thuốc lá và tăng huyết áp - có liên quan tới các biến chứng thận mạn và tim mạch của bệnh tiểu đường”, bác sĩ Bích Đào nhấn mạnh.
Các sai lầm khi đo huyết áp trong điều trị tăng huyết áp
Thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Lý Văn Chiêu, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Chợ Rẫy, chia sẻ chiến lược 5Đ (đo huyết áp, đánh giá toàn diện, điều trị cá thể hóa, đáp ứng điều trị, đầy đủ tuân thủ) trong quản lý tăng huyết áp.
Trong đó, việc đo huyết áp đạt chuẩn là cực kỳ quan trọng trong chẩn đoán và điều trị tăng huyết áp. Bệnh nhân nên có trách nhiệm và ý thức theo dõi sức khỏe huyết áp tại nhà. Các sai lầm khi đo huyết áp tại nhà hoặc phòng khám được bác sĩ chỉ ra như sau:
“Kiểm soát huyết áp tích cực không chỉ giúp bệnh nhân tăng huyết áp khỏe mạnh hơn, mà còn hỗ trợ giảm 41% nguy cơ đột quỵ ở bệnh nhân tiểu đường”, bác sĩ Văn Chiêu cho biết.