Bắc Ninh phát hiện đôi thuyền cổ kỹ thuật phức tạp

Chiều 3/5, đại diện Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cho biết tháng 1/2025, khi cải tạo đất nuôi cá, ông Nguyễn Văn Chiến, 50 tuổi, ở phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành phát hiện đôi thuyền ở độ sâu 2 m.
Thuyền nằm trên dòng sông Dâu cổ, một nhánh của sông Đuống chảy sát phía tây thành Luy Lâu. Vị trí này cách thành Luy Lâu và sông Đuống lần lượt 1,9 km, 4, 6 km về phía bắc, cách sông Dâu (đoạn hiện hữu) 0,27 km về phía đông.
Kết quả khảo cổ sau đó cho thấy phần đầu của hai thân thuyền được đấu nối với nhau bằng tấm ván hình chữ T, dài 6,45 m, khóa chặt vào hai thân bằng các mộng và chốt gỗ kiên cố.
Phần đuôi thuyền là tấm ván bửng có dấu thủng và thanh gỗ chạy xuyên qua. Đây có thể là vị trí lắp bánh lái. Đáy thuyền có kết cấu độc mộc, chỗ rộng nhất 0,95 m. Thân thuyền được nối từ đáy lên đến mép trên của mạn thuyền bằng các tấm ván, tổng thể còn 7-8 lớp ván, rộng 22-34 cm, dày trung bình 4,5 cm.
Hai thân thuyền cấu trúc tương tự, được chia thành 6 khoang. Trong đó khoang đầu và đuôi dài nhất 3,8-4 m, các khoang còn lại 2,1 m.
Ngành văn hóa Bắc Ninh đã mời chuyên gia từ Viện Khảo cổ học, Hội Khảo cổ học Việt Nam, Viện Sử học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm Nghiên cứu Tiền sử Đông Nam Á, Hiệp hội đóng tàu Việt Nam đến khảo cứu về di vật. Nhóm chuyên gia đồng nhất quan điểm đôi thuyền cổ có niên đại thế kỷ 11-14, thời Lý, Trần. Niên đại chính xác phải chờ kết quả phân tích đồng vị carbon.
Cơ sở đưa ra nhận định trên là so sánh phần đáy kết cấu độc mộc và kỹ thuật mộng ghép, là sự tiếp nối từ thời văn hóa Đông Sơn. Sách Đại Việt Sử lược từng ghi chép: "Năm 1106 (thời Lý) nhà vua cho đóng thuyền Vĩnh Long hai đáy", hay sách Đại Việt Sử ký toàn thư có đoạn: "Năm 1124 (thời Lý) nhà vua cho đóng thuyền Tường Quang, kiểu thuyền hai lòng".
Các chuyên gia khảo cổ đánh giá đây là "di tích thuyền có quy mô, cấu trúc và kỹ thuật phức tạp nhất, là duy nhất phát hiện được cho đến nay không chỉ ở Việt Nam mà còn trên bình diện quốc tế". Đặc biệt là ở kết cấu liên kết giữa phần độc mộc ở đáy và phần ván bửng nhô lên ở mũi và đuôi.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bắc Ninh đã bảo vệ di tích bằng cách sử dụng vải địa kỹ thuật che phủ toàn bộ, lập hàng rào bảo vệ, đặt biển báo cấm xâm phạm. Thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ triển khai các hoạt động du lịch, học tập tăng cường hiểu biết của người dân đối với điểm di tích này.
Gia Chính