Ba ngồi đâu đó, lâu lâu

Tôi thừa nhận, đời này, tôi chưa phải đứa con gái ngoan. Thỉnh thoảng tôi và ba có những giận hờn, không đến mức phải khó xử với nhau lâu, nhưng cũng đủ làm trầy xước tim mình khi nhớ lại.
Những vết xước mang dáng hình người thân luôn khiến mình day dứt, có khi là cả một đời, không cách gì khâu vá hay bôi mờ.
Và rồi, hơn 30 năm, ký ức tôi còn ướp mùi của những lần thất vọng khi khoảng cách của đứa con gái với ba vẫn không thể nhích lại gần.
Hồi còn nghèo khó, ba làm đủ mọi nghề để nuôi bầy con. Sau thống nhất, cởi áo lính ra là ba về làm ruộng, hết mùa màng thì ba đi hàng xáo (buôn bán, bỏ mối mấy thứ hàng hóa linh tinh cho các tiệm tạp hóa)... Sinh kế nhọc nhằn đã khiến người đàn ông của gia đình chừng như chai sạn mọi cảm xúc dịu dàng.
Với ba, con cái trong nhà phải nhất nhất tuân theo ba mẹ, không được cãi, không được ý kiến ý cò, nói lại là hỗn.
Bốn chị em tôi răm rắp nghe lời. Ăn cơm: không được chống đũa, không được bỏ mứa, không được làm rớt hột cơm nào, ăn nhanh, không được và tới và lui.
Ba nói, tụi bây mà sống thời chiến, nhai cơm kiểu bò nhai cỏ đó, bom đạn bay tới chỉ có chết!
Hồi đó, tôi hay bị mắc nghẹn vì phải nhai, nuốt nhanh. Nhưng có lẽ nhờ vậy mà sau này, tôi làm gì cũng nhanh nhẹn gọn gàng, bởi ám ảnh cái trừng mắt sắc lẹm ba đang hướng về mình.
Hôm rồi, coi phim "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt" (phim Hàn Quốc), tới đoạn cô gái Geum Myeong có vẻ bối rối, khó chịu khi người cha lam lũ Gwan Sik lặn lội từ quê lên thành phố thăm đột ngột, không dưng mà tôi ước hai nhân vật trong phim chính là tôi và ba mình.
Nếu ba tới thăm, tôi sẽ không bao giờ tỏ vẻ khó chịu như cô gái ấy, tôi sẽ chạy tới ôm ba để được dỗ dành.
Suốt đời mình, tôi chưa từng được ba đưa đón đi học, nói chi đến thăm lúc còn là sinh viên. Cả một đoạn đường dài, tôi phải tự mình làm tất cả: tự chọn trường, tự đăng ký, tự nhờ vả bạn bè chở đi thi, thi đậu thì cũng tự xoay xở đi đi về về.
Ba chưa bao giờ tỏ ra mừng vui quá mức khi tôi đạt một thành tựu gì, chỉ lặng lẽ làm móc treo giấy khen của tôi đầy vách phòng khách.
Từ lúc tôi tới tuổi đi học, chỉ có má sáng nào cũng chừa một thúng hàng để gánh tôi tới trường gần nhà. Tan buổi chợ thì má lại gánh tôi về. Ba chỉ quanh quẩn ruộng đồng, tháo nước, be bờ, giặm phân, nhổ cỏ, cắt lúa... Nhưng không có nghĩa ký ức của tôi về ba nhạt nhòa.
Tôi luôn thèm một cái ôm động viên khi mình tuyệt vọng, thất bại. Nhưng ba không bao giờ làm điều đó. Ông chỉ ngồi thu lu một góc bếp với bình trà, như uống cả đêm thâu.
Tôi biết, mỗi lần tôi thất bại là ba nổi sóng trong lòng. Dù không an ủi, nhưng ông cũng không thèm hở ra một tiếng trách cứ gì, cứ để tôi tự vượt qua cú sốc ấy, kiểu như ông không nghe, không thấy, không biết cho con gái... đỡ quê! Ai nói lính chiến chỉ biết binh đao súng đạn. Ba tôi đó, cũng tinh tế lắm, chỉ là không muốn thể hiện ra.
Ba không trách tôi, nhưng thâm tâm tôi luôn trách ba không hề ngó ngàng tới mình.
Bây giờ, thỉnh thoảng tôi vẫn giận ba, giận ba vì lâu lắm ba cũng không thèm về thăm tôi, dù chỉ trong giấc mơ.
Ba đâu biết, tôi thường mong nhìn thấy ông ngồi đâu đó trước mặt mình. Tôi sẽ ngồi xuống uống trà với ba. Hai cha con sẽ cùng nhau ngồi đâu đó, lâu lâu...