Nhảy đến nội dung
 

'Bà Mỹ' Virginia Mary Lockett

Từ khoảng 20 năm trước, ở tuổi ngoài 50, một người phụ nữ đã quyết định bán ngôi nhà nhỏ của mình ở Mỹ, mang tiền đến Việt Nam để làm thiện nguyện, tập phục hồi chức năng và làm điểm tựa cho các bệnh nhân đột quỵ não, yếu liệt sau chấn thương…

Bà là Virginia Mary Lockett (72 tuổi, quốc tịch Mỹ), hiện là chuyên gia vật lý trị liệu tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng. Suốt gần 20 năm qua, những cống hiến của bà - thường được bệnh nhân và thân nhân của họ gọi là "bà Mỹ" - đã góp phần tạo một hệ sinh thái phục hồi chức năng hiệu quả cho các bệnh nhân di chứng tai biến mạch máu não, đa chấn thương sau tai nạn tại Đà Nẵng và nhiều tỉnh thành miền Trung.

Bán nhà ở Mỹ, giúp bệnh nhân Việt

"Bà Mỹ" cho biết Việt Nam với bà là thiện duyên. Vì từ lúc còn là thanh niên, bà đã có mong muốn nhận con nuôi, với mong muốn trao điều kiện sống tốt đẹp hơn cho những đứa trẻ thiếu may mắn, dù mức sống của vợ chồng bà chỉ ở tầm trung của một chuyên viên vật lý trị liệu. Năm 1995, trong chương trình nhận con nuôi, bà đến Việt Nam lần đầu tiên tại Nha Trang để nhận nuôi 2 đứa trẻ người Việt.

Đến năm 2005, trong một chương trình tình nguyện quốc tế, nhân duyên đã đưa bà đến làm việc suốt 3 tuần ở một bệnh viện phục hồi chức năng tại Đà Nẵng. Cũng từ đây, bà luôn đau đáu muốn "làm một cái gì đó" cho những bệnh nhân cần phục hồi chức năng.

Quyết định táo bạo nhất trong đời bà đó là cùng chồng bán ngôi nhà nhỏ ở Mỹ, mang tiền sang Việt Nam để sống và thiết lập chương trình phục hồi chức năng dài hơi và hiệu quả cho các bệnh nhân di chứng tai biến, đa chấn thương.

Bằng kinh nghiệm của mình, nhiều năm liền bà Lockett tham gia các chương trình hỗ trợ phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại các bệnh viện ở Đà Nẵng. Đến năm 2010, bà chính thức nhận lời mời đến làm việc tình nguyện tại Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, cũng là môi trường làm việc thích nhất trong cuộc đời bà.

"Ở đây, chúng tôi thiết lập quy trình phục hồi chức năng bài bản cho các bệnh nhân. Từ vật lý trị liệu đến hoạt động trị liệu và cả ngôn ngữ trị liệu. Ở Việt Nam, thời gian và điều kiện tiếp xúc với bệnh nhân đủ dài để hỗ trợ họ tập luyện hiệu quả. Việc những bệnh nhân có người thân đồng hành cũng là điểm cộng rất lớn giúp họ phục hồi chức năng hiệu quả, không giống như ở Mỹ và nhiều nước, chi phí y tế đắt đỏ khiến họ không đủ sức theo các bước trị liệu và đúng theo từng giai đoạn bệnh, hoặc điều trị trong viện dưỡng lão", bà Lockett tâm sự.

Với số tiền bán ngôi nhà nhỏ trên đất Mỹ, bà Lockett cùng chồng thành lập Tổ chức Steady Footsteps, không huy động thêm bất kỳ nguồn quỹ nào, để đến Việt Nam, sống một cuộc đời tối giản chỉ để làm thiện nguyện…

Những bước chân vững vàng

Giờ làm việc đầu ngày, "bà Mỹ" bước vào phòng tập phục hồi chức năng và quan sát, "đọc" bệnh án của từng bệnh nhân qua cử động tay, chân, bước đi của họ. Hơn ai hết, anh Nguyễn Hữu Huy, phiên dịch viên đồng hành cùng bà suốt gần 18 năm qua hiểu được bà luôn cần thời gian để "đọc" bệnh nhân của mình. 

Anh Huy cho biết bà không bỏ sót bất cứ sự tiến triển nào ở người bệnh để luôn lượng giá chính xác và có phác đồ "cá thể hóa" đối với từng bệnh nhân, không ai giống ai. Bởi vấn đề mà bệnh nhân đang đối mặt, bệnh sử, nền tảng tinh thần và thể chất trước tổn thương, mức độ nặng nhẹ sau tổn thương đều khác. "Chỉ cần nhìn bệnh nhân đi về phía mình bà có thể "đọc" được bệnh nhân như đọc trên chính hồ sơ bệnh của họ, bằng kinh nghiệm và sự quan sát suốt hơn 50 năm trong nghề", anh Huy nói.

Chúng tôi theo bà đến kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân Hồ Đắc Trung (64 tuổi, Đà Nẵng), từng bị tai biến liệt nửa người hơn một năm trước. Với sự kiên trì hướng dẫn và tập luyện của bà, ông Trung đã "tiến bộ từng bước", tâm lý cũng ổn định hơn.

"Từ bán thân bất toại, nay tay tôi đã phục hồi được 50%, còn chân phục hồi hơn 70%, có thể đi lại chậm rãi. Quan trọng là "bà Mỹ" không chỉ hỗ trợ cặn kẽ về chuyên môn, bà còn khai mở được sức mạnh ý chí tiềm tàng trong mỗi người để họ tin "mình làm được" và dũng cảm đứng dậy một lần nữa, bước đi vững vàng hơn một lần nữa", ông Trung cảm kích.

Đặt mình vào vị trí của mỗi người bệnh và người nhà của họ, sẽ hiểu được mình cần làm gì, đó là lòng trắc ẩn bà tập cho mình mỗi ngày, cũng là nguyên tắc "cá thể hóa" người bệnh của "bà Mỹ", trước cả vấn đề chuyên môn. Hàng nghìn bệnh nhân của bà đã có bước chân vững vàng theo cách đó. "Đối với phục hồi chức năng thì hướng dẫn đúng ngay từ sớm, từ đầu sẽ dễ dàng hơn là sửa sai, tư thế bệnh nhân từ đó cũng sẽ vững vàng hơn", bà Lockett cho biết.

Tận hiến vì người bệnh

Tôi có đọc đâu đó, đôi khi sự hiện diện cũng là một điều tận hiến, và tôi chia sẻ điều đó với "bà Mỹ". Bà đồng tình. Gần 20 năm qua bà đã hiện diện và âm thầm đồng hành cùng hàng nghìn bệnh nhân người Việt theo cách đó, mang lại cho họ cơ hội phục hồi tốt hơn.

Đó cũng là ý nghĩa cuộc sống của vợ chồng "bà Mỹ" ở tuổi ngoài 70. Bất kể nắng mưa, mỗi ngày bà đều đến bệnh viện để dìu từng bệnh nhân của mình bước đi. Đến chiều tối về nhà bà lại cần mẫn bên chiếc máy may để may những chiếc đai an toàn phòng chống té ngã dành tặng bệnh nhân phục vụ quá trình trị liệu của họ. Hàng nghìn chiếc đai giữ an toàn cho bệnh nhân đã được tạo nên từ đôi tay đang dần yếu đi của bà.

Chị Nguyễn Thị Thủy, kỹ thuật viên Đơn vị Phục hồi chức năng, Bệnh viện Y học cổ truyền Đà Nẵng, tâm sự: "Không chỉ là kinh nghiệm chuyên môn suốt 50 năm trong nghề, điều bà trao truyền cho chúng tôi còn là ý chí vì người bệnh, năng lượng, nhiệt huyết, sự kiên trì mỗi ngày với bệnh nhân. Nhiều thế hệ y bác sĩ, kỹ thuật viên của chúng tôi từ lâu đã xem bà như người thầy, người thân của mình".

Bà đã truyền cảm hứng sống, tập luyện và đứng vững cho hàng nghìn con người tưởng chừng như cuộc đời đã khép lại với họ. "Việt Nam là nhà của tôi, là nơi mà tôi thuộc về. Tâm nguyện của tôi là được sống ở đây và tận hiến với người bệnh đến phút cuối cùng của đời mình", bà Lockett nói.